Nhằm phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp công bố hồi đầu năm 2017, Chính phủ Anh đã kêu gọi các trường phổ thông nước này cần có phương pháp giáo dục khuyến khích trẻ em hình thành những sở thích liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, nhằm tạo ra một thế hệ những kỹ sư, nhà khoa học và toán học tương lai mà nước Anh vô cùng cần cho thế kỷ 21.
Học sinh trong lớp học toán ở Trường Tiểu học Ravenswood, Ipswich. Ảnh: Như Mai Theo phóng viên TTXVN tại London, những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nước Anh lừng danh thế giới về đào tạo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, do nước này chú trọng phát triển ngành dịch vụ tài chính.
Nhưng giờ đây, với mong muốn trở thành nước đứng đầu thế giới đào tạo về toán, khoa học và kỹ sư, Chính phủ Anh đã quyết định đầu tư mạnh vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật, coi đây là phần chủ chốt trong chiến lược phát triển công nghiệp của nước này.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Quốc tế về Giáo dục Khoa học cho thấy việc hình thành sở thích từ khi còn nhỏ sẽ giúp hình thành đam mê và chọn nghề trong tương lai. Trẻ em được tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, kích thích trí tò mò tìm hiểu thế giới tự nhiên xung quanh sẽ là một tiền đề tốt để phát triển niềm đam mê khoa học kỹ thuật và toán học trong tương lai.
Do đó, vai trò của nhà trường và gia đình là vô cùng quan trọng trong việc phát triển các sở thích của trẻ em thông qua việc đẩy mạnh tham gia các hoạt động ngoại khóa như thiên văn học, nuôi ong, quan sát các loài chim, chơi với robot, làm vườn, mô hình nhà, hay thu thập, sưu tầm các loại đá…
Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, khiến Anh muốn tăng số sinh viên đại học tốt nghiệp các ngành khoa học, kỹ thuật và toán học do các quy định nhập cư bị siết chặt, trong khi đây là những ngành được coi là trọng yếu trong chiến lược phát triển đất nước trong những năm tới.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức