Chính phủ Anh tuyển hàng ngàn nhân viên để giải quyết công việc của Brexit

Văn phòng Thủ tướng Anh đang có kế hoạch tuyển thêm khoảng 2,000 nhân viên để phục vụ cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

426 Content 66 1
Bộ máy chính quyền đồ sộ nhất trong 50 năm qua đang đặt ra thách thức lớn cho ngân sách nhà nước.

Hiện các bộ trưởng đều cố gắng xin thêm chỉ tiêu nhân viên cho ngành của mình để chuẩn bị cho khối lượng công việc khổng lồ của Brexit, gây căng thẳng cho Bộ Tài chính về vấn đề ngân sách.

Những nhân sự xin thêm là chuyên gia trong những lĩnh vực tài chính, kế toán, luật, công nghệ số, quản lý dự án, đàm phán thương mại và nhân viên biên giới.

Chính phủ cũng thừa nhận sẽ có một làn sóng tuyển dụng nữa khi Anh tiến gần đến thời điểm Brexit vào tháng 3/2019.

Số nhân viên nhà nước cần có trong 2 năm tới phụ thuộc vào hình thức thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh sẽ đạt được với EU.

Theo ước tính của Viện nghiên cứu chính phủ, chỉ tính riêng Bộ Nội vụ có thể cần thêm khoảng 5,000 nhân viên nếu như Anh và EU “chia tay” mà không đạt được thỏa thuận nào.

Ông Jeremy Heywood, người phụ trách vấn đề việc làm cho khu vực nhà nước mô tả Brexit là thách thức “phức tạp và to lớn nhất” cho bộ máy công quyền trong lịch sử thời bình của Anh.

Bộ Nông nghiệp đã tuyển thêm 400 nhân viên trong khi Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS) đang tuyển thêm 500 nhân viên để giải quyết các vấn đề Brexit.

Các bộ về EU (DEXEU) hay Thương mại quốc tế (DIT) cũng sẽ tuyển thêm người.

Quốc hội Anh năm ngoái đã thông qua 412 triệu bảng Anh để chủ yếu chi thêm cho ngân sách của DEXEU và DIT.

Ngoài ra, 250 triệu bảng nữa cũng được chuyển tới nhiều bộ khác để phục vụ giai đoạn 2017-2018, trong đó có Bộ Nội vụ.

Liên quan đến tiến trình Brexit, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble ngày 12/10 nhận định một “Brexit mềm” duy trì các thỏa thuận thương mại giữa Anh với EU sẽ là cách tốt nhất để hạn chế tối đa các tổn hại đối với cả London và Brussels.

Phát biểu trong một sự kiện bên lề phiên họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Schäuble bày tỏ hy vọng Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond và những người ủng hộ “Brexit mềm” (chỉ việc Anh duy trì quan hệ gần gũi với thị trường chung châu Âu) sẽ thuyết phục trên bàn đàm phán trong các vòng thương lượng sắp tới.

Đàm phán Brexit giữa Anh và EU hiện đã kết thúc vòng thứ năm và bế tắc lớn nhất hiện nay là vấn đề thực hiện các cam kết về thanh toán nghĩa vụ tài chính của Anh đối với liên minh này khi rời khỏi EU.

Trong tuần tới sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU, tại đó các lãnh đạo EU sẽ đánh giá liệu các bên đã thực sự đạt “tiến bộ đầy đủ” trong giai đoạn 1 của cuộc thương lượng để cho phép chuyển sang đàm phán về mối quan hệ thương mại giữa EU với Anh hậu Brexit, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2019 hay chưa./.

Theo TTXVN/Vietnamplus

Bài liên quan