Một cựu phi công quân sự Anh đã đi vào lịch sử nước này khi ông thực hiện chuyến bay “chui” đặc biệt nhằm thể hiện sự phản đối với các chính sách và quyết định liên quan tới không quân Anh của các cơ quan chính phủ.
Cựu phi công lực lượng Không quân Hoàng gia Anh Alan Pollock (Ảnh: Parker) Cựu phi công lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Alan Pollock đã thực hiện chuyến bay “chui” vào ngày 5/4/1968. Đó là thời điểm nước Anh đang kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng RAF. Vào thời điểm đó, RAF rất được công chúng Anh hâm mộ, nhất là các phi công của lực lượng này.
Phi công 32 tuổi Alan Pollock tham gia vào RAF vào năm 1953, từng lái những máy bay chiến đấu hàng đầu thời kỳ bấy giờ như chiếc Hawker Hunter.
Ông Pollock phục vụ trong đội bay số 1, phi đội có truyền thống lâu đời nhất trong không quân Anh. Với ông, 50 năm thành lập RAF là một sự kiện lớn và ông mong muốn có thể bay trên bầu trời để kỷ niệm dấu mốc này. Tuy nhiên, vào thời điểm bấy giờ, Anh chỉ dự kiến tổ chức một bữa tiệc và một vài sự kiện diễu binh trên mặt đất. Ông Pollock cảm thấy rất không hài lòng với quyết định này, cho rằng ngày kỷ niệm không quân phải diễn ra trên bầu trời, chứ không phải dưới mặt đất. Vì vậy, ông đã quyết định thực hiện chuyến bay “chui” đi vào lịch sử nước Anh.
Ngày 4/4/1968, ông cùng 3 phi công đồng đội cất cánh từ căn cứ ở West Raynham, Norfolk tới Tangmere, Sussex hỗ trợ căn cứ này tổ chức ngày giải phóng thành phố Chichester. Ông Pollock dự kiến trong hành trình quay về vào ngày hôm sau, ông sẽ lái máy bay chiến đấu bay qua thủ đô London, Anh.
“Thật sự xứng đáng để bay qua London dù tôi có phải ra tòa án binh”, ông Pollock, 82 tuổi, hồi tưởng lại động lực khiến ông quyết định bay “chui”. Ông cho biết nếu phải ra hầu tòa, ông sẽ có cơ hội để nói về những vấn đề mà Không quân Anh đang gặp phải.
Chuyến bay “chui” đi vào lịch sử
Ảnh minh họa chuyến bay “chui” táo bạo của cựu phi công Pollock (Ảnh: Alamy) Ngày 5/4, sau khi cất cánh, máy bay của ông Pollock lặng lẽ tách ra khỏi những đồng đội khác. Thông qua thiết bị liên lạc, ông báo với các đồng đội rằng ông gặp trục trặc về tín hiệu và truyền thông tin. Tất cả những gì ông Pollock có để tham khảo nhằm thực hiện chuyến bay táo bạo là một tấm bản đồ AA mà ông đã đánh dấu quãng đường dự kiến sẽ bay qua London.
Sau một vài phút bay ở tầm thấp nhằm tránh máy bay thương mại, ông đã tiến tới sân bay Heathrow, London và rẽ phải tới công viên Richmond và sông Thames. “Bay qua sông là tuyến đường an toàn nhất”, ông giải thích lý do chọn lộ trình này là do không muốn gây ra rắc rối.
Với sự “tức giận” sẵn có vì ngân sách quốc phòng bị cắt, cũng như phẫn nộ với quyết định tổ chức ngày lễ thành lập RAF một cách “sơ sài” của Bộ Lao động Anh, ông Pollock bay thẳng tới nhà quốc hội ở phố Downing. Tiếp tục hạ độ cao, ông bay vòng quanh văn phòng quốc hội nhằm bày tỏ quan điểm “chống đối” trước khi bay tới đài tưởng niệm RAF ở Whitehall.
Trong hành trình bay “chui”, ông đã bay qua cầu Hungerford, cầu Waterloo, cầu Blackfriars, cầu Southwark và cầu London. Tuy nhiên, ông đã quên mất cây cầu Tower trong khi bay. Trong khoảnh khắc 7 giây trước khi có thể đâm phải dòng người đang di chuyển qua sông Thames, ông tăng tốc điều khiển máy bay vọt qua cầu. Các nhân chứng của vụ việc kể lại rằng đó là tiếng “gầm” lớn nhất mà họ từng nghe thấy trong đời. Khi ngước mắt lên, họ hoảng hốt khi thấy một máy bay chiến đấu màu bạc bay qua đầu.
Sau khi kết thúc chuyến bay “ngoài luồng”, ông Pollock quay về căn cứ Raynham, nhanh chóng đốt tấm bản đồ AA vì lo ngại nó sẽ bị công bố rộng rãi.
Hai ngày sau khi thực hiện chuyến bay, ông Pollock bị bắt và các quan chức RAF thời đó nhận định rằng hành động của ông xứng đáng ra tòa án binh.
Tuy nhiên, hành động của ông lại nhận được sự ủng hộ bất ngờ tới từ người dân, các đơn vị trong quân đội Anh và ngay cả giới chính trị. Kết quả là sau sự đấu tranh của các bên, ông được thả dự do với lý do mắc bệnh lý và buộc ra khỏi lực lượng RAF.
Thời điểm hiện tại khi nhìn lại quá khứ, ông Pollock khẳng định ông không hối hận vì đã thực hiện chuyến “bay chui” nhằm thể hiện quan điểm cá nhân và vẫn khẳng định việc trở thành phi công của RAF là nghề nghiệp tuyệt vời nhất mà ông từng làm.
Nguồn: http://dantri.com.vn