Thuế cửa sổ, nghe có vẻ rất khó tin thời nay, nhưng vào thời của nhà văn Anh Charles Dickens, người dân phải trả tiền mới được mở cửa sổ đón ánh sáng và khí trời vào nhà.
Nhà văn Anh Charles Dickens vốn nổi tiếng vì những tác phẩm viết về cảnh nghèo đói ở London. Những trang văn với lát cắt cuộc đời chi tiết đến mức mà chỉ sống trong cảnh đó thì người ta mới có thể lột tả được. Tuy nhiên, ngoài việc giúp người đời thấu hiểu tình cảnh của người nghèo London, Dickens còn có tác động thực sự tới chính sách thực tế, như lần ông giúp nước Anh bãi bỏ thuế cửa sổ áp dụng suốt 156 năm.
Thuế cửa sổ
Thuế cửa sổ, nghe có vẻ rất khó tin thời nay, nhưng vào thời Dickens, theo một bộ luật giúp chính phủ Anh kiếm nhiều tiền từ các tòa nhà, người dân phải trả tiền mới được đón ánh sáng và khí trời vào nhà. Giữa năm 1696 và 1851, Quốc hội Anh đặc biệt coi trọng cửa sổ và có nhiều luật ảnh hưởng tới kiến trúc thời đó, thậm chí còn khiến cuộc sống của người dân lâm nguy.
Thuế cửa sổ chỉ là một trong hàng chục các sắc thuế “sáng tạo” được đưa ra để thu tiền cho chính phủ bằng cách khiến người dân phải trả nhiều tiền hơn cho nơi mà họ sống. Thuế cửa sổ được đưa ra năm 1696 nhằm bù lại khoản chi phí phát hành tiền tệ mới và để thanh toán khoản chi khổng lồ dành cho chiến tranh, ngoại giao và các cung điện xa hoa. Theo luật, người giàu sẽ phải trả thuế cửa sổ nhiều hơn người nghèo, dựa trên giả định là người nhiều tiền có thể chi tiền để nhà có nhiều cửa sổ.
Trong khi đó, ở các thành phố, người nghèo sống trong các tòa nhà chung cư đông đúc có rất nhiều cửa sổ. Nhằm hỗ trợ người nghèo, một điều khoản trong luật quy định chủ các tòa nhà phải trả khoản thuế này. Còn thực tế thì sao? Người dân Anh đã lách luật kiểu này: Thay vì trả thuế cửa sổ, người có nhà nhiều cửa sổ, kể cả chủ các tòa nhà chung cư cho thuê, đã chặn cửa sổ bằng gạch hoặc gỗ. Các chủ nhà cũng tăng tiền thuê nhà để bù lại chi phí. Khi họ xây các tòa nhà mới, họ thường giảm số lượng cửa sổ, thậm chí xây nhà không cửa sổ để tránh nộp thuế.
Kết quả là cuộc sống của người thuê nhà không chỉ vô cùng bất tiện mà còn có hại cho sức khỏe. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong các khu vực không thông thoáng. Người nghèo sống khổ sở trong các tòa nhà rất ít ánh sáng tự nhiên.
Thuế cửa sổ không phải là loại thuế duy nhất có ảnh hưởng không mong đợi là biến những thứ thiết yếu thành những thứ xa xỉ. Thuế lò sưởi, hay còn gọi là thuế ống khói, là một ví dụ khác. Từ năm 1662 tới 1689, loại thuế này yêu cầu người dân phải trả tiền cho từng cái lò sưởi, bếp lò trong nơi ở. Lúc đầu, thuế đánh vào mọi người dân Anh mà không có ngoại lệ. Sau đó, luật này tiếp tục được thay đổi. Quốc hội cuối cùng đã miễn thuế này cho người nghèo. Dù vậy, thuế này cũng khuyến khích người dân chen chúc sống trong các nơi ở chật hẹp, sử dụng các biện pháp sưởi ấm không an toàn hoặc không dùng lò sưởi để tránh nộp thuế. Tại những thời điểm khác nhau trong lịch sử, Quốc hội Anh còn đánh thuế cả những thứ như nến, muối và xà phòng.
Tất cả những loại thuế trên đều không được lòng dân, đặc biệt là vì chúng thường nhằm vào đối tượng người đi thuê nhà, hơn là chủ nhà, bắt người nghèo phải trả tiền cho những thứ “xa xỉ” như hơi ấm và ánh sáng. Tuy nhiên, thuế cửa sổ là thuế bị ghét nhất và được áp dụng lâu nhất. Có lúc, mức thuế cửa sổ tăng lên để đáp ứng nhu cầu các sự kiện đang diễn ra. Ví dụ như lúc Thủ tướng William Pitt tăng gấp ba thuế cửa sổ để có tiền cho cuộc chiến tranh năm 1797 và có tiền bù cho các loại thuế khác bị giảm xuống, như thuế trà. Sự không nhất quán trong mức thuế khiến người dân Anh càng thêm bất mãn và ghen tị với người Ireland – những người do quá nghèo nên được miễn thuế cửa sổ.
Ảnh hưởng của Dickens
Không ai thấu hiểu tình cảnh của người nghèo Anh hơn nhà văn Dickens. Năm 1824, khi ông mới 12 tuổi, cha ông đã bị tống tù vì không thể trả nợ. Dickens bị đưa tới sống cùng một người bạn của gia đình và buộc phải bỏ học. Thay vì học hành, cậu bé Dickens phải làm việc 10 tiếng mỗi ngày trong các nhà máy bẩn thỉu, dán nhãn cho các lọ xi đánh bóng giày.
Cuộc sống này đã định hình phần còn lại của cuộc đời Dickens. Không thể học đại học do thiếu tiền và thuộc tầng lớp nghèo hèn, Dickens đã tự học, rồi trở thành một nhà báo phụ trách mảng tin về quốc hội. Ông không bao giờ ngừng suy nghĩ về việc viết về người nghèo Anh. Ông viết về người nghèo khi làm một phóng viên điều tra và khi trở thành nhà văn. Với những câu chuyện thấu hiểu về nỗi lo lắng của họ, ông đã phơi bày những điều kiện sống nguy hiểm của người nghèo.
Một loạt tiểu thuyết của Dickens như The Pickwick Papers hay Oliver Twist đều ngày càng trở nên nổi tiếng. Ảnh hưởng của ông vì thế mà tăng dần. Ông bắt đầu thành lập một tạp chí riêng mang tên Household Words và dùng nó làm phương tiện đề truyền tải quan điểm chính trị, xã hội của mình.
Khoảng một tháng trước khi tạp chí ra mắt năm 1850, Charles Knight, bạn của Dickens đã viết thư hỏi xem liệu ông có thể công khai phản đối một loại thế trên tờ báo. Dickens trả lời: “Mình đồng ý với cậu. Nhưng khi mình nghĩ về tình trạng của dân chúng, mình sợ rằng khó có thể có nhiệt tâm để thúc đẩy công lý về vấn đề này trước khi thuế cửa sổ bị dỡ bỏ. Dân không thể đọc mà không có ánh sáng. Họ không thể có một cơ hội sống bình thường và khỏe mạnh mà không có ánh sáng”.
Đề nghị của người bạn dường như đã thôi thúc Dickens hành động. Chỉ vài tháng sau khi xuất bản số đầu tiên của tạp chí, ông đã in một bài viết máu lửa về thuế cửa sổ mang tên “Sức khỏe theo đạo luật của Quốc hội”. Bài này do biên tập viên William Henry Wills viết, nói rằng nạn nhân thực sự của thuế cửa sổ là những người bị lãng quên nhiều nhất: “Khi một người sống trong căn nhà ám khói, chật chội, tối tăm nằm liệt giường vì bệnh tràng nhạc, lao phổi, úng thủy, hao kiệt hay biến chứng vì dịch bệnh, không ai nghĩ tới việc chỉ ra nguyên nhân chính xác của bệnh tật, đó có thể là do thiếu không khí và ánh sáng”.
Vài tháng sau đó, Dickens đã tham gia vào cuộc tranh luận. Ông đề nghị một người bạn cung cấp thêm thông tin về những điều vô lý và tàn ác của thuế cửa sổ và viết một bài viết đanh thép mang tên “Quan liêu”. Bài viết đã mỉa mai nạn quan liêu bất tận ở Anh và có lời đề nghị khẩn thiết bảo vệ người nghèo. Dickens, một trong những tiếng nói có ảnh hưởng nhất và nổi tiếng nhất ở Anh, cũng phát biểu trước công chúng để phản đối thuế cửa sổ.
Và hành động của nhà văn đã có hiệu quả. Cuối năm 1851, thuế cửa sổ bị bãi bỏ sau 156 năm có hiệu lực. Ngày nay, người ta vẫn có thể nhìn thấy “di sản” của thuế này trên các tòa nhà lịch sử bị chặn cửa sổ khắp nước Anh hay những tấm kính khổng lồ mà người dân mua về lắp vào cửa sổ để ăn mừng thuế cửa sổ bị bãi bỏ.
Nguồn: https://baotintuc.vn