Cơn sốt xây hầm trú ẩn tránh bom ở châu Âu do lo ngại chiến tranh lan ra ngoài Ukraine

Cư dân ở Đức, Thụy Sĩ, Pháp và Anh đang tăng cường tìm kiếm thông tin về việc xây và mua các hầm trú ẩn trong bối cảnh họ lo ngại chiến tranh tại Ukraine có thể lan ra các nước khác ở châu Âu.  

Thời gian qua, Nga đã liên tục cảnh báo phương Tây chớ can thiệp vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đồng thời ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu căng thẳng leo thang hơn nữa.

Claus Haglund thuộc hãng Bühler GmbH - một công ty Thụy Sĩ chuyên về lắp đặt và sửa chữa boong-ke, nói với tờ Telegraph (Anh) rằng "trong vài tuần đầu tiên của tháng 3, người dân thực sự sợ và muốn được trợ giúp lập tức". Ông này cho biết thêm, nhu cầu về các boong-ke mới hoặc sửa chữa boong-ke cũ đã "bùng nổ" kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự chống lại Ukraine vào ngày 24/2/2022.

1 Con Sot Xay Ham Tru An Tranh Bom O Chau Au Do Lo Ngai Chien Tranh Lan Ra Ngoai Ukraine

Một hầm trú ẩn tại một nhà máy ở miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, một hãng chuyên về xây dựng hầm ngầm ở Anh nói với Telegraph rằng nhu cầu về hầm trú ẩn đã tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021.

Còn tại Đức, nhà sản xuất duy nhất boong-ke cho các cá nhân đã chứng kiến nhu cầu kỷ lục kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Mario Piejde - Tổng giám đốc điều hành của công ty Đức BSSD, cho biết họ đã nhận được hơn 1.000 cuộc gọi mỗi ngày.

Ngay cả chính phủ Đức vào đầu tháng 4 thông báo rằng họ có thể bắt đầu đầu tư tiền bạc vào củng cố hầm ngầm trú ẩn của mình.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser phát biểu trong tháng 4 này: "Hiện có 599 hầm công cộng ở Đức. Chúng tôi sẽ kiểm tra liệu có thể nâng cấp hệ thống. Việc dỡ bỏ đã ngừng".

Đức còn tính đến phương án cho phép biến các bãi đỗ xe ngầm, ga điện ngầm, và các tầng hầm của các tòa nhà thành nơi trú ẩn tránh bom đạn.

Trong khi đó, bên kia bờ Đại Tây Dương, một số công ty có trụ sở ở Mỹ chuyên về hầm trú ẩn cho biết, họ cũng chứng kiến nhu cầu gia tăng về xây boong-ke dù rằng Mỹ cách rất xa Ukraine, theo tờ Insider.

Ngay từ đầu cuộc chiến Nga-Ukraine, chính phủ Nga đã đặt lực lượng hạt nhân của mình trong "trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt". Còn tuần trước, nước này đã bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat có năng lực mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này còn mang tên Satan II.

Mới đây, vào hôm 28/4, Tổng thống Nga Putin thẳng thắn tuyên bố như sau tại Saint Petersburg: "Nếu ai đó từ bên ngoài có ý định can thiệp vào những gì đang diễn ra [ở Ukraine] và tạo ra những mối đe dọa chiến lược mà chúng ta không thể chấp nhận được, thì họ cần biết rằng phản ứng của chúng ta đối với các cuộc tấn công sẽ là nhanh như chớp. Chúng ta có tất cả các công cụ để thực hiện điều này và chúng ta sẽ sử dụng chúng nếu cần thiết. Tôi muốn tất cả mọi người biết điều đó".

Trung Hiếu (biên dịch)

Theo Newsweek

Nguồn: vov.vn

Bài liên quan