Hai biến thể phụ mới của Omicron là BA.4 và BA.5 đang lây lan nhanh chóng ở Mỹ và châu Âu. Giới chuyên gia lo ngại về khả năng né tránh miễn dịch của hai biến thể này.
Người dân được xét nghiệm COVID-19 tại Quảng trường Thời Đại ở TP New York (Mỹ) - Ảnh: REUTERS
Ngày 14-6, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron chiếm hơn 21% số ca nhiễm mới trên toàn nước Mỹ vào tuần trước, với BA.4 chiếm khoảng 8,3% và BA.5 chiếm 13,3%.
BA.4 và BA.5 phổ biến ra sao?
Mỹ đang ghi nhận trung bình hơn 100.000 ca mới mỗi ngày, tăng đáng kể so với mức trung bình khoảng 30.000 ca/ngày cách đây 2 tháng.
Trong khi BA.4 và BA.5 lây lan nhanh, mức phổ biến của các biến thể phụ khác ở Mỹ đã giảm. Tỉ lệ mắc chủng chiếm ưu thế hiện tại là BA.2.12.1 đã giảm từ 66% xuống 64% trong 2 tuần qua. Còn tỉ lệ mắc BA.2, hay còn gọi là "Omicron tàng hình", giảm từ khoảng 21% xuống 14% trong cùng thời gian.
Theo Đài NBC ngày 14-6, hiện biến thể BA.2 và BA.2.12.1 vẫn chiếm phần lớn số ca ở Mỹ (78%) nhưng các bác sĩ cảnh báo BA.4 và BA.5 có thể gây ra một đợt tăng vọt số ca tại đây trong tương lai gần. Hai dòng phụ lây lan nhanh chóng này đã được thêm vào danh sách giám sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tháng 3 và cũng đã được xếp loại các biến thể đáng lo ngại ở châu Âu.
Đầu tuần này, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá BA.4 và BA.5 đang lây lan nhanh hơn các biến thể khác và có thể trở thành chủ đạo ở châu lục này. Viện Robert Koch của Đức cho biết hai biến thể này có thể sớm chiếm ưu thế ở Đức khi hiện tại BA.5 đã chiếm khoảng 10% số ca. Tại Bồ Đào Nha, biến thể này đã gây ra 80% số ca nhiễm mới.
Lo virus né miễn dịch
"Tôi rất lo lắng" - TS Gregory Poland, trưởng nhóm nghiên cứu vắc xin của Trung tâm Y tế Mayo Clinic ở Rochester, bang Minnesota của Mỹ, nói. Ông cho biết, theo dữ liệu từ Nam Phi, BA.4 và BA.5 có thể né tránh khả năng miễn dịch mà con người có được nhờ vắc xin COVID-19 hoặc đã nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Poland chỉ ra việc đã có miễn dịch có thể giúp ngăn tử vong hoặc bệnh nặng, nhưng với khả năng "né miễn dịch", BA.4 và BA.5 có thể khiến số ca tăng vọt trong hè khi trẻ em quay lại trường và hiệu quả mũi tiêm tăng cường giảm.
"Các biến thể BA.4 và BA.5 là chương tiếp theo của đại dịch ở Mỹ và châu Âu. Chúng là câu chuyện về né tránh miễn dịch" - tiến sĩ Eric Topol, người sáng lập Viện Nghiên cứu Scripps, nhận định.
Dù vậy, hiện đã có ít ca tử vong và nhập viện hơn. Theo giới chuyên gia, điều này là nhờ hàng triệu người đã chích ngừa hoặc đã có kháng thể. Một số chuyên gia cũng đánh giá BA.4 và BA.5 dường như ít nguy hiểm hơn. Viện Robert Koch khuyến cáo người cao tuổi và nhóm nguy cơ cao nên tiêm vắc xin tăng cường để được bảo vệ tốt hơn. Trong khi đó, CDC Mỹ khuyến nghị người dân vẫn nên đeo khẩu trang nơi công cộng.
Những câu hỏi chờ giải đáp
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về các biến thể phụ BA.4 và BA.5. Bác sĩ Daniel Kuritzkes, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Phụ nữ và Brigham ở Boston (Mỹ), lưu ý điều đặc biệt quan trọng là phải xem liệu những người từng nhiễm BA.1 hoặc BA.2 của Omicron có thể bị nhiễm BA.4 hoặc BA.5 không.
Không quá hoang mang
Omicron là có khi mở cửa kinh tế - Ảnh: XUÂN MAI
Các dòng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron hiện đã lan ra nhiều nước, sau khi được phát hiện lần đầu tại Nam Phi vào tháng 1-2022. Tại châu Á, Indonesia đã có 8 ca mắc các dòng phụ này, trong đó 3 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng. Vậy chúng có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và gây ra "làn sóng" mới?
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-6, ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng Việt Nam cần theo sát diễn biến của dịch COVID-19 trên thế giới để "ứng xử" phù hợp.
"Với hai dòng phụ này của Omicron, tôi cho rằng chúng ta cần theo dõi thêm, không cần quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan. Chúng ta đã mở cửa quốc tế, khôi phục kinh tế - xã hội. Việc xuất hiện những biến chủng mới cũng đã được tính toán từ trước, vì vậy trước diễn biến dịch bệnh mới cần phải cẩn trọng theo dõi. Khi dịch bệnh có những biến chuyển cần nhanh chóng đưa ra giải pháp kịp thời. Tránh lo ngại quá mà đưa ra cấm đoán hoặc những quy định, cách giải quyết không phù hợp gây tổn hại đến công sức và kinh tế", ông Phu nhận định.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM - cũng cho rằng dù BA.4 và BA.5 lây lan nhanh, tăng số ca mắc nhưng không thể tạo ra "làn sóng" mới như những đợt dịch trước nên người dân không cần quá hoang mang, lo lắng.
"Đây là những biến chủng phụ của Omicron nên có đặc trưng giống Omicron. Tuy nhiên, chúng có khả năng trốn thoát miễn dịch nhiều hơn, trong khi miễn dịch đã yếu dần theo thời gian nên có thể làm tăng số ca mắc. Với số ca nặng và tử vong thì chỉ tăng nhẹ do tỉ lệ người dân tiêm đủ liều vắc xin đã rất cao", ông Dũng phân tích.
Đánh giá nguy cơ xâm nhập Việt Nam của 2 dòng phụ này, ông Dũng cho rằng đó chỉ là vấn đề thời gian dù có biện pháp ngăn chặn chặt chẽ đến đâu. Ngay cả khi mức độ nguy hiểm của hai biến chủng phụ này thấp, ông Dũng khuyến cáo người dân vẫn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch để giảm nguy cơ mắc bệnh. Những nhóm được chỉ định tiêm mũi 4 thì cần tiêm để củng cố miễn dịch.
Trước tình hình này, Bộ Y tế nhấn mạnh tiếp tục coi vắc xin là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng chống dịch COVID-19.
DƯƠNG LIỄU - XUÂN MAI
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online