Biến thể Omicron đang lây lan nhanh ở Anh, chiếm 44% ca mắc mới tại London. Bộ trưởng y tế Anh cảnh báo trong vòng 48 giờ tới, tức đến ngày 15-12, Omicron sẽ là biến thể thống trị tại London.
Sarah Corcoran chuẩn bị các mẫu virus SARS-CoV-2 để giải trình tự gene tại Đại học bang Ohio ở Columbus, Ohio, Mỹ ngày 13-12-2021 - Ảnh: REUTERS
Trong ngày 13-12, Anh xác nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron. Một số nhà khoa học cho rằng cần áp dụng một số biện pháp hạn chế tạm thời để kiểm soát số ca nhiễm trong khi đẩy mạnh vắc xin tăng cường và chờ vắc xin phát huy hiệu quả. Họ sợ rằng các biện pháp hạn chế đưa ra vào phút chót sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đón Giáng sinh của người dân.
Tại Đan Mạch, cơ quan nghiên cứu đã phát hiện 3.437 ca nhiễm biến thể Omicron kể từ khi Đan Mạch ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Các nhà khoa học xác định biến thể Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị trong tuần này.
Tại Canada, theo Hãng tin Reuters, các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 có thể tăng nhanh trong những ngày tới do sự lây lan của biến thể Omicron trong cộng đồng.
Cụ thể, số ca nhiễm ở tỉnh bang Ontario, nơi có gần 40% dân số trong số 39 triệu dân của nước này sinh sống, số ca nhiễm đã tăng lên buộc chính quyền phải ngừng nới lỏng các biện pháp hạn chế trước thềm Giáng sinh.
So với tuần trước, số ca nhiễm ở Ontario tăng 70%, trong đó có 80 ca là do biến thể Omicron.
Đẩy mạnh vắc xin
Các bằng chứng từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nghiên cứu khác cho thấy biến thể Omicron, hiện có mặt ở hơn 60 quốc gia, gây ra nguy cơ toàn cầu "rất cao". Biến thể này có thể lẩn tránh hiệu quả bảo vệ của vắc xin dù dữ liệu lâm sàng về mức độ nghiêm trọng của nó vẫn còn hạn chế.
Hành khách trên các chuyến bay quốc tế chờ làm xét nghiệm nhanh miễn phí tại sân bay quốc tế Los Angeles ở California, Mỹ ngày 3-12 năm 2021 - Ảnh: AFP
Theo WHO, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy những người được tiêm và bị bệnh trước đây sẽ không có đủ kháng thể để tránh nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford cũng công bố phân tích trong phòng thí nghiệm ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của kháng thể chế ngự virus của biến thể Omicron ở những người đã tiêm 2 liều vắc xin COVID-19.
Có thể thấy, rủi ro nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron dường như đã tăng lên với tất cả mọi người, dĩ nhiên người chưa tiêm vắc xin sẽ gặp rủi ro cao nhưng tỉ lệ lớn người đã tiêm vẫn sẽ nhiễm bệnh.
Bằng chứng sơ bộ cho thấy số người tái nhiễm COVID-19 đã tăng lên ở Nam Phi. Dù những phát hiện ban đầu cho thấy Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn biến thể Delta, nhưng với số người nhập viện sẽ tăng do sự lây lan tăng nhanh, hệ thống y tế vẫn sẽ gặp nhiều áp lực, số ca tử vong có thể sẽ nhiều hơn.
Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin, gồm khuyến khích người chưa tiêm đi tiêm và người đã tiêm 2 mũi tiêm liều thứ 3 khi đủ thời gian giãn cách và tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lại.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở trung tâm London ngày 13-12 - Ảnh: AFP
Anh đang ưu tiên chiến dịch vắc xin thay vì áp dụng các biện pháp kiểm soát. Đan Mạch đẩy mạnh tiêm vắc xin liều thứ 3. Úc cũng có kế hoạch tương tự và giảm khoảng cách giữa mũi 2 và mũi 3 xuống còn 5 tháng thay vì 6 tháng như trước đây. Chính phủ nhiều nước khác chắc chắn cũng sẽ sớm đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3.
Trong khi đó, tại Na Uy, để hạn chế sự gia tăng của các ca nhiễm do biến thể Omicron, Thủ tướng Gahr Stoere đã cho siết chặt các biện pháp hạn chế và đẩy mạnh tiêm vắc xin liều thứ 3.
Cụ thể, Na Uy cấm bán rượu trong quán bar và nhà hàng, đóng cửa các phòng tập thể hình, hồ bơi trong 2 tuần và các biện pháp khác.
"Không có nghi ngờ gì cả - biến thể mới đã thay đổi luật chơi. Chúng ta phải hành động nhanh hơn, và cần phải hành động một lần nữa", Thủ tướng Stoere nói.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online