Cựu Thủ tướng Anh Truss cảnh báo không nên nhượng bộ Trung Quốc

Ngày 16/5 tại Đài Loan, cựu Thủ tướng Anh Liz Truss dự kiến sẽ có một bài phát biểu kêu gọi phương Tây không nên nhân nhượng Trung Quốc và phải thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Loan, đảo quốc dân chủ có hệ thống tiền tệ và quân đội riêng. Bài phát biểu của bà được dự đoán sẽ gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ của Anh với Bắc Kinh.

1 Cuu Thu Tuong Anh Truss Canh Bao Khong Nen Nhuong Bo Trung Quoc

Bà Truss là chính trị gia nổi tiếng nhất của Anh đến thăm Đài Loan kể từ khi cựu Thủ tướng Margaret Thatcher đến thăm đảo quốc này vào những năm 1990. Chuyến đi của bà Truss diễn ra vào thời điểm Anh và Trung Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh, bà Truss đại diện cho phe chủ trương không nhượng bộ trước ĐCSTQ. Bà phản đối cách tiếp cận của chính phủ Anh đối với Bắc Kinh. London đang tìm cách để Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực như thương mại và biến đổi khí hậu trong khi cố gắng hạn chế các mối đe dọa an ninh quốc gia.

Trái ngược với những nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn châu Âu tránh bất kỳ can dự nào vào cuộc xung đột về Đài Loan, bà Truss lại nhận định rằng các quốc gia châu Âu sẽ “hoàn toàn vô trách nhiệm” nếu lập luận rằng Đài Loan ở quá xa hoặc không quan trọng.

Trung Quốc luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ và không từ bỏ việc dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc đại lục, mặc dù từ lâu đảo quốc dân chủ này đã có một chính phủ được bầu một cách dân chủ với hệ thống tiền tệ và quân đội riêng. Bắc Kinh trước đây đã lên án các chuyến thăm Đài Loan của các nhà lập pháp Anh là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Theo các đoạn trích bài phát biểu của nữ cựu thủ tướng Anh, bà Truss nhấn mạnh: “Chúng ta phải ủng hộ các nền dân chủ tự do như Đài Loan trước cuộc xâm lược của chính quyền Trung Quốc mà hồ sơ [nhân quyền] của họ đã quá rõ ràng cho cả thế giới thấy. Lựa chọn duy nhất mà chúng ta có là liệu chúng ta có nhượng bộ và hòa giải hay chúng ta hành động để ngăn chặn xung đột.”

Sau khi buộc phải từ chức thủ tướng trong thời gian kỷ lục 49 ngày vào tháng 10 năm ngoái do chính sách cắt giảm thuế không được tài trợ của bà đã gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, bà Truss đã có những phát biểu nhằm xây dựng lại danh tiếng chính trị của mình và gây thêm áp lực lên người kế nhiệm của bà, Thủ tướng hiện tại Rishi Sunak nhằm khiến ông có lập trường mạnh mẽ hơn đối với một số vấn đề.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại London đã chỉ trích chuyến thăm Đài Loan của bà là một “màn trình diễn chính trị nguy hiểm sẽ không làm được gì ngoài việc gây tổn hại cho Vương quốc Anh.”

Trong nỗ lực rõ ràng nhất nhằm giải thích cách tiếp cận của Anh đối với Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Sunak, vào tháng trước Ngoại trưởng Anh James Cleverly nhận định rằng sẽ là sai lầm nếu cô lập Bắc Kinh và việc tham gia của Bắc Kinh vào các lĩnh vực như biến đổi khí hậu là cần thiết.

Bà Truss lưu ý: “Vẫn còn có quá nhiều người ở phương Tây đang cố gắng bám vào ý tưởng rằng chúng ta có thể hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu.”

Bà nhấn mạnh: “Không có tự do và dân chủ, thì không có gì cả.”

Gia Huy (Theo Reuters)

Bài liên quan