Mới đây, một báo cáo chi tiết đã được đưa ra, chỉ rõ rằng một số lớn sản phẩm tiêu dùng trong ngành thời trang Anh quốc được quảng cáo là sử dụng lông thú nhân tạo thực ra đã bị trà trộn bởi “lông thật chính hãng”. Điều này đã làm một bộ phận lớn người tiêu dùng ở Anh rất phẫn nộ.
Với một lượng lớn người Anh đang chống lại các sản phẩm thương mại được làm từ lông thú, hàng triệu người mua sắm trên thế giới đã chuyển sang sử dụng lông giả và giả da trong các sản phẩm thời trang của họ.
Tuy nhiên, họ cũng sẽ được phen ngạc nhiên khi biết rằng, trong nhiều sản phẩm được dán nhãn “lông giả” đó vẫn chứa lông thú thực sự, được lột ra từ những con cáo, thỏ và các loại động vật khác.
Các sản phẩm tương tự đang được hàng ngày bày bán tại nhiều địa chỉ đáng tin cậy như TK Maxx, Amazon, Boohoo và Etsy.
Một cuộc điều tra từ Tổ chức Quốc tế Humane Society cho thấy các cửa hàng này bày bán các sản phẩm được làm từ lông thú thật dù được dán nhãn “lông giả”.
Giám đốc điều hành Tổ chức này, Claire Bass cho hay:”Số lượng lông thú giả mạo được bày bán trực tuyến đang gây sốc tới chúng tôi; thậm chí một số nhà bán lẻ đáng tin cậy còn nói lông thú đó là lông tổng hợp hóa học”.
“Thật đáng sợ khi những người mua sắm cấp tiến đang phải mua những sản phẩm mà chính bản thân họ đã cố tránh.”
Những người điều tra đã tìm thấy một chiếc áo khoác lông cáo được bày bán ở TK Maxx, một đôi bịt tai nhung và giày lông thỏ được bày bán ở Boohoo.com cùng một chiếc mũ lông cáo được bày bán ở Amazon.
Một cuộc thăm dò trên trang YouGov cho thấy 9/10 người Anh không ủng hộ việc mua bán và sử dụng các sản phẩm từ lông thú. Việc nuôi cừu để lấy lông cũng đã bị cấm ở Anh từ năm 2000, đồng thời các quy định của EU cũng đã cấm việc sử dụng lông chó và mèo.
Tuy nhiên nước Anh vẫn nhập khẩu và bán lông thú từ một số loài khác như cáo, thỏ, chồn, sói và chinchilla.
Gần 40 triệu bảng đến từ các nước EU trong năm ngoái và 15,7 triệu bảng Anh từ phần còn lại trên thế giới đến từ các hoạt động mua bán và trao đổi lông thú, trong đó có đến 30 triệu bảng tới từ các hoạt động xuất nhập khẩu.
Điều này xuất phát từ một sự thực rằng, trong khi da thật có giá hơn giả da thì việc tổng hợp lông giả lại tốn kém hơn việc lấy lông thật từ động vật khá nhiều.
Lãnh đạo Đảng Xanh, Caroline Lucas đã kêu gọi ban hành một lệnh cấm nhập khẩu lông thú, đồng thời chủ tịch Tổ chức Phúc lợi động vật Roger Gale cũng nói rằng:
“Thật vô lý khi chúng ta cấm sản xuất lông thú ở Anh nhưng lại đi nhập về từ nước ngoài. Các nhà bán lẻ cũng không thể viện cớ không biết nguồn gốc để làm càn được!”.
Tất cả các cửa hàng trong đợt kiểm tra vừa qua đều đã có cam kết không bán các mặt hàng lông thú thật. TK Maxx – theo tiết lộ của tờ Mirror – đã làm các sản phẩm làm đẹp có chứa nguồn gốc động vật gây tranh cãi.
Các khách hàng sau khi biết được sản phẩm của mình đến từ lông thú thật cũng đã có những động thái đòi khiếu nại và trả lại hàng.
Amazon cũng nói thêm rằng, tất cả các nhà bán lẻ trên thị trường cần tuân thủ theo nguyên tắc bán hàng của chúng tôi; những người không tuân thủ sẽ sớm bị xóa tài khoản.
“Các sản phẩm có nguồn gốc lông thú thật đã bị xóa” – Đại diện của Amazon cũng cho biết.
Groupon – trước các động thái gay gắt của người tiêu dùng – đã cam kết sẽ xem xét lại các quy trình nội bộ để đảm bảo cho sự việc này sẽ không xảy ra nữa.
Mỗi năm, có hàng triệu động vật hoang dã và chăn nuôi bị giết hại để cung cấp da, lông và sừng cho các ngành công nghiệp thời trang và sản xuất nội thất – theo thống kê của nhiều tổ chức phi chính phủ.
Đây đồng thời cũng là nguyên nhân làm nhiều loài động vật quý hiếm đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Cái chết thương tâm của chúng bị đem ra để đánh đổi lấy những món đồ phù phiếm, kiêu sa, có thể sẽ nằm lại trong tủ quần áo của các quý bà sành mốt đến hàng chục năm chỉ sau vài lần sử dụng.
Thống kê chỉ riêng ở Canada, mỗi năm đã có tới hơn 3 triệu cá thể động vật hoang dã lẫn thú nuôi bị sát hại để lấy da, lông, trải đều ra nhiều loài như chồn, cáo, hải cẩu, thỏ, sóc, gấu và cả chó sói.
Phần lớn bọn chúng bị giết hại dã man bằng gậy, bị đánh đập đến chết, bị giam hãm trong trạng thái nhồi nhét, không có thức ăn và nước uống trong nhiều ngày trước khi bị đem lên đoạn đầu đài.
Đó có phải là một cái giá phải chăng cho vẻ đẹp thời trang cao quý mà nhiều người trong số chúng ta vẫn tôn sùng?
Mặc trên mình một chiếc áo choàng bằng lông hoặc da thú thật đồng nghĩa với với việc bạn có thể đã khoác lên mình bộ lông của từ 3 đến 5 con sói, 8 con hải cẩu, 10 đến 15 con chó trưởng
thành, khoảng 10 đến 20 con cừu, 30-40 con thỏ, 60-70 con chồn, 100 – 120 hamster, 100 – 400 con sóc…
Động vật bị bắt ngoài tự nhiên theo số lượng lớn hoặc nuôi nhốt từ khi còn nhỏ trong những chiếc lồng bẩn thỉu, chật chội ngoài trời bất kể thời tiết.
Để ngăn chúng kêu la, người ta thậm chí còn cắt lưỡi hay chọc mù mắt của các con vật đáng thương, hạn chế việc chúng bị hoảng loạn mỗi khi có người tới bắt giết.
Động vật bị nuôi lấy da và lông cũng thường xuyên bị bắt nhốt ngoài trời lạnh thấu xương, do thời tiết lạnh sẽ làm da và lông của chúng săn lại, đồng thời cơ chế sinh tồn sẽ làm lông của vật nuôi thêm dày, nâng cao giá trị kinh tế.
Một sự việc đáng phẫn nội cũng được ghi nhận tại một nông trại nuôi thú lấy lông. Vốn sản xuất lông chồn nhưng lại có nguồn ngân sách hạn hẹp, nhân công thì không đủ nên môi trường sống của các con vật ở trang trại Pryazhinskoy (Nga) cũng tồi tệ hơn hẳn:
Hơn 2.500 con chồn đã chết vì đói kể từ đầu tháng 10 năm 2017 tới nay, bao gồm khoảng 1.500 trường hợp tử vong trong vỏn vẹn ba ngày.
“Lũ chồn được nuôi nhốt theo cặp. Chỉ cần một con lăn ra chết thì cá thể còn lại sẽ chuyển sang gặm nhấm xác của đồng loại vì quá đói. Điều tương tự cũng xảy ra tại khu vực dành cho loài cáo.
Có gần 10.000 con chồn cùng 2.700 con cáo bị giết lấy lông vào tháng 11/2017. Tuy nhiên, do tình hình quá khó khăn, không thích hợp để cung cấp nguồn hàng chất lượng nên chưa rõ tương lai của những con vật này sẽ ra sao nữa”, nữ nhân công Purches nói.
Trong một nỗ lực vớt vát lại nhân tính, thương hiệu thời trang toàn cầu Michael Kors đã công bố trong tháng này rằng họ sẽ ngừng sử dụng lông thật vào cuối năm 2018.
Nhà mốt này cho hay: “Do những tiến bộ công nghệ trong ngành chế tạo lông thú, hiện nay chúng ta có khả năng tạo ra một sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ cao cấp bằng lông thú. Chúng tôi sẽ giới thiệu những điều này trên sàn Catwalk sắp tới vào tháng Hai”.
Công ty Jimmy Choo, được mua lại bởi Michael Kors vào đầu năm nay cũng sẽ ban lệnh cấm sử dụng lông thú, đồng thời nhiều thương hiệu lớn khác như Gucci, Armani, Yoox, Net-a-Porter,
Stella McCartney, Ralph Lauren và Hugo Boss cũng đã chuyển sang sử dụng lông cừu trong những năm gần đây, do việc thu hoạch lông cừu không cần phải giết hại chúng, và lông cừu có thể mọc lại trong mùa kế tiếp.
Nguồn: Soha.vn