Đáng sợ với tin đồn 'tiêm 2 liều vắc xin cũng chết'

Ba trường đại học ở Anh đã lập mô hình dự báo giả định đợt dịch thứ ba xảy ra và nguy cơ tử vong đi kèm. Nhiều bài viết trên Facebook và Twitter đăng tin cứ như thật.

132 1 Dang So Voi Tin Don Tiem 2 Lieu Vac Xin Cung Chet

Ảnh chụp màn hình tin đồn đăng trên Facebook ngày 14-4 - Ảnh: FACEBOOK

"Sốc: Số ca tử vong trong đợt dịch thứ ba chủ yếu là những người đã tiêm hai liều vắc xin". Đây là tiêu đề một bài viết đăng trên Facebook ngày 11-4 và sau đó được chia sẻ nhiều lần.

Tin đồn phát tán trên mạng xã hội

Bài viết dẫn nguồn báo The Daily Telegraph của Anh khẳng định Nhóm mô hình hóa khoa học đại dịch cúm (SPI-M - nhóm chuyên gia tư vấn cho Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh) cho biết những người đã tiêm hai liều vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 chiếm 60% số ca nhập viện và 70% số ca tử vong.

Nhiều bài viết khác còn đăng ảnh chụp màn hình báo cáo chính thức của Chính phủ Anh ban hành ngày 31-3 chứng minh cho hai số liệu 60% và 70% nêu trên.

Trên Twitter cũng có nhiều bài viết tương tự. Một người dùng Internet bình luận: "Tiêm chủng vô ích !!! #báo động". Một số người khác vội vàng phát tán thông tin kiểu suy diễn rằng vắc xin đang sử dụng là "vắc xin giả gây chết người".

Hãng tin AFP tiến hành điều tra và khẳng định thông tin nêu trên không chính xác. Đầu tiên, nước Anh đang từng bước ra khỏi đợt dịch thứ hai.

Ngày 12-4, các quán cà phê và cửa hàng đã mở cửa trở lại theo lộ trình kết thúc phong tỏa được Thủ tướng Boris Johnson trình bày cuối tháng 2-2021.

Đến giữa tháng 5-2021, một số hoạt động văn hóa và sự kiện thể thao sẽ được phép tổ chức trở lại với sức chứa hạn chế. Chính phủ Anh hi vọng có thể dỡ bỏ hầu hết các hạn chế sớm nhất vào ngày 21-6.

132 2 Dang So Voi Tin Don Tiem 2 Lieu Vac Xin Cung Chet

Không khí vui mừng trên đường phố London sau khi hàng quán mở cửa trở lại ngày 12-4 - Ảnh: AFP

Bốn nguyên nhân giải thích

Kế đến, các tin đồn đăng trên Facebook và Twitter không nêu rõ bối cảnh dẫn đến các số liệu 60% và 70% nêu trên.

Thật ra vào đầu tháng 4-2021, Đại học Warwick, Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London và Đại học Hoàng gia London ở Anh đã cảnh báo giả định đợt dịch thứ ba sẽ bùng phát vào mùa hè này thì sẽ có 60% số ca nhập viện và 70% số ca tử vong là người đã tiêm vắc xin COVID-19.

Để tính toán số liệu, các nhà nghiên cứu giả định 95% trong số những người trên 50 tuổi (nhóm có nguy cơ cao) được tiêm hai liều và vắc xin đạt hiệu quả trung bình 90%.

Vậy 10% của 95% số người trên 50 tuổi là 9,5% không được vắc xin bảo vệ đầy đủ, vì thế có thể phải nhập viện. 5% còn lại chưa tiêm cũng có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.

Sau khi thiết lập mô hình các kịch bản có thể xảy ra, các mô hình dự báo được đưa vào báo cáo tổng hợp của nhóm SPI-M để các chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Anh.

Báo cáo tổng hợp đề ngày 31-3 đã được công bố đầu tháng 4-2021 trên trang web Chính phủ Anh.

Trang 10 của báo cáo giải thích rõ bốn nguyên nhân vì sao số ca nhập viện và tử vong trong đợt dịch thứ ba (nếu có) phần nhiều là người đã tiêm hai liều vắc xin:

Một, những người đã tiêm vắc xin chiếm hầu hết các nhóm có nguy cơ cao nhất.

Hai, nhiều người đã tiêm vắc xin nhưng không được bảo vệ đầy đủ (bao gồm những người mới tiêm một liều).

Ba, một số người (chủ yếu là trẻ em) không đủ điều kiện tiêm vắc xin. 

Bốn, nhiều người không muốn tiêm vắc xin.

132 3 Dang So Voi Tin Don Tiem 2 Lieu Vac Xin Cung Chet

Người già thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm vắc xin COVID-19 ở Anh - Ảnh: news.sky.com

Vắc xin vẫn có hiệu quả

Như vậy, các số liệu 60% và 70% chỉ là kịch bản dự báo, chứ không phải số liệu thực tế lấy từ các bệnh viện Anh.

Báo cáo tổng hợp còn nhấn mạnh: "Đây không phải là kết quả vắc xin kém hiệu quả, mà đơn giản là các nhóm dân số có nguy cơ cao nhất đã được tiêm chủng với mức cao".

Kịch bản nêu trên phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó dự đoán như tỉ lệ lây nhiễm ở mỗi lần gia tăng biện pháp hạn chế, tiến độ tiêm chủng và không tính đến giả thuyết khả năng miễn dịch suy giảm, hoặc các biến thể kháng vắc xin xuất hiện.

Cuối cùng, các tác giả nghiên cứu kêu gọi: "Duy trì các biện pháp cơ bản để giảm lây nhiễm khi dỡ bỏ hạn chế gần như chắc chắn sẽ cứu sống được nhiều người, và giảm thiểu nguy cơ đe dọa năng lực các bệnh viện".

Lo ngại các biến thể kháng vắc xin "nhập khẩu" vào Anh, đầu tháng 4-2021 Chính phủ Anh đã quyết định cấm đi du lịch nước ngoài đến ngày 17-5.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan