Đến Anh xin việc, nhiều công dân EU bị giam giữ và trục xuất

Kể từ khi Brexit có hiệu lực vào tháng 1/2021, ngày càng nhiều công dân EU tìm việc tại Anh bị giam giữ tại các trung tâm người nhập cư trước khi bị trục xuất về nước.

Ngày càng nhiều trường hợp công dân châu Âu tìm việc tại Anh bị giam giữ tại các trung tâm người di trú ở nước này trước khi bị trục xuất về nước. Nguyên nhân được cho là vì chính sách “thù địch và thiếu nhất quán” của chính phủ Anh thời kỳ hậu Brexit, Guardian đưa tin ngày 13/5.

Cô María – 25 tuổi, đến từ Valencia – chia sẻ: “Giống như nhiều người khác, cô nghĩ rằng mình có thể tự do khám phá thị trường việc làm ít nhất là cho đến tháng 10”.

Mặc dù chủ động đề nghị trả tiền cho một chuyến bay về nhà cùng ngày, cô María vẫn bị đưa đến giam giữ 3 ngày tại trung tâm nhập cư Yarl’s Wood, Bedfordshire. “Tôi vẫn còn bị sốc. Tôi sợ bị nhiễm Covid-19. Quyền tự do của tôi đã bị tước đoạt và tôi không hề nhận bất kỳ tư vấn pháp lý nào”, cô nói với Guardian.

Cô Eugenia – một phụ nữ 24 tuổi đến từ vùng Basque, miền bắc Tây Ban Nha – đã đến Gatwick vào ngày 9/5. Vừa đáp xuống sân bay, cô Eugenia bị tịch thu điện thoại di động và bị nhốt trong phòng suốt 24 giờ với nhiều người khác, trước khi cô được đưa lên chuyến bay quay trở lại Barcelona.

Cô Eugenia chia sẻ: “Tất cả chúng tôi đã tìm hiểu thông tin trên các trang web cũng như điền vào các biểu mẫu. Một số quan chức cho rằng đó là lỗi của các hãng hàng không vì đã để chúng tôi lên máy bay. Tôi sẽ không quay lại. Tôi không muốn trải qua điều đó một lần nào nữa”.

132 1 Den Anh Xin Viec Nhieu Cong Dan Eu Bi Giam Giu Va Truc Xuat

Công dân EU xếp hàng làm thủ tục hải quan tại sân bay Anh. Ảnh: Getty Images.

Tania Galesi, người phát ngôn hãng hàng không Vueling, khẳng định: “Chính các quan chức ở quốc gia đến là người thiết lập và thực thi các yêu cầu nhập cảnh”.

Cô Araniya Kogulathas, luật sư của tổ chức phi chính phủ Bail for Immigration Detainees, cho biết: “Bộ Nội vụ Anh cần giải thích tại sao việc tìm hiểu thị trường lao động hoặc tham dự phỏng vấn xin việc ở Anh là lý do để từ chối nhập cảnh, trong khi các quy định hiện hành vẫn cho phép”.

Ông Luke Piper, một cựu luật sư nhập cư, cho biết: “Hoàn toàn không cần phải giam giữ ai đó ở trung tâm Yarl’s Wood. Họ có thể ở cùng người thân của họ ở Anh cho đến khi bị trục xuất để tránh lây nhiễm Covid-19”.

Ông Dacion Cioloș, Chủ tịch tổ chức Renew Europe, khẳng định: “Việc đưa những công dân EU trẻ đến các trung tâm giam giữ người nhập cư là hoàn toàn không cân xứng và vi phạm tinh thần hợp tác mà chúng tôi mong đợi”.

Bộ Nội vụ Anh cho biết các quy định mới rất rõ ràng và có thể dễ dàng kiểm tra trực tuyến, trong đó có yêu cầu “bằng chứng rõ ràng về việc sống và làm việc tại Anh”. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng viết rằng: “Du khách không có thị thực lao động có thể tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, phỏng vấn hoặc đàm phán, ký kết các hợp đồng tại Anh”.

Mặc dù Bộ Nội vụ Anh chưa chính thức công bố số liệu, Đại sứ quán các nước Bulgaria, Italy, Pháp, Bulgaria và Hy Lạp đều ghi nhận trường hợp công dân họ bị giam giữ tương tự như vậy ở Anh kể từ khi Brexit có hiệu lực vào tháng 1.

Nguồn: Zing

Bài liên quan