Hà Lan, Đan Mạch, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, bất chấp làn sóng Omicron gây ra số ca nhiễm tăng kỷ lục.
Theo trang The Guardian (Anh), động thái tái mở cửa diễn ra khi dữ liệu thống kê cho thấy số ca nhập viện và chăm sóc đặc biệt tại nhiều quốc gia châu Âu không tăng theo đà lây nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định đây có thể là dấu hiệu cho thấy đại dịch đang bước vào giai đoạn dễ kiểm soát hơn.
Tại Hà Lan, các quán bar, nhà hàng và bảo tàng đã được phép mở cửa trở lại từ hôm 25/1, sau khi Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố chính phủ đang tìm cách kiểm soát ca nhiễm trong giới hạn khi số ca mắc hàng ngày vẫn tiếp tục lập kỷ lục. Tuy nhiên, số người nhập viện cần chăm sóc đặc biệt và các ca t ử vong đã giảm.
Bộ trưởng Y tế Ernst Kuipers cho rằng quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế sẽ có nguy cơ làm tổn hại sức khỏe cộng đồng và xã hội.
Cụ thể, các quán cà phê, quán bar và nhà hàng phải đóng cửa từ giữa tháng 12 hiện có thể mở cửa trở lại với công suất hạn chế và chỉ được phép mở cửa đến 10 giờ tối. Các rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng và các sự kiện thể thao cũng được phép chào đón công chúng trở lại. Tất cả người dân đều phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng khi đến những địa điểm này.
Cách đây 2 tuần, Chính phủ Đan Mạch đã cho phép các rạp chiếu phim và địa điểm âm nhạc mở cửa trở lại sau một tháng đóng cửa. Hôm 26/1, quốc gia này tuyên bố sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát COVID-19 từ ngày 1/2.
Động thái này – cần được quốc hội thông qua - sẽ cho phép các hộp đêm mở cửa trở lại, các nhà hàng được phục vụ rượu sau 10 giờ tối và các cửa hàng không còn bị hạn chế số lượng khách hàng. Người dân không cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng và có thể tự do đi lại mà không cần đeo khẩu trang.
Giống với Hà Lan, Đan Mạch cũng ghi nhận số ca lây nhiễm hàng ngày cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Dù số ca nhập viện do COVID-19 vẫn gia tăng, các cơ quan y tế cho biết 30%-40% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính đang nhập viện vì những lý do khác ngoài COVID-19.
“Đã có sự khác biệt trong xu hướng dịch bệnh giữa số ca nhiễm và số ca nhập viện,” ban cố vấn chuyên trách của chính phủ cho biết. Số lượng bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt đã giảm gần một nửa kể từ đầu tháng 1.
Tuần trước, Bỉ đã tuyên bố nới lỏng các hạn chế từ ngày 21/1 bất chấp số ca lây nhiễm cao kỷ lục. Các quán bar và nhà hàng được phép mở cửa đến nửa đêm và các hoạt động trong nhà như khu vui chơi và sân chơi bowling sẽ mở cửa trở lại.
Làn sóng Omicron hiện tại ở quốc gia này dự kiến sẽ không đạt đỉnh trong 2 tuần tới. Số người nhập viện tại Bỉ đang tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với ca nhiễm và số lượng bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt đang giảm. Nhà virus học Steven Van Gucht nhận định: “Tình hình có thể kiểm soát được”.
Hôm 25/1, Pháp đã lập kỷ lục số ca mắc hàng ngày, với 501.635 ca nhiễm mới. Song cũng như nhiều quốc gia trong khu vực, khi số người nhập viện do COVID-19 gia tăng, số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt chỉ bằng một nửa các làn sóng trước đó và con số này đã giảm kể từ ngày 12/1.
Người dân tận hưởng dịch vụ ngoài trời khi các quán cà phê, quán bar và nhà hàng mở cửa trở lại do hạn chế COVID-19 nới lỏng ở Roskilde, Đan Mạch ngày 21/4/2021. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết trong vài ngày tới, làn sóng dịch bệnh ở Pháp sẽ đạt đỉnh. Dù vậy, Thủ tướng Jean Castex tuần trước đã công bố lịch trình dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch từ ngày 2/2. Kể từ ngày 31/1, Pháp sẽ yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận vaccine khi đến nhà hàng, rạp chiếu phim và các địa điểm công cộng khác. Giới chức cũng cho phép dỡ bỏ giới hạn số lượng giả tại các phòng hòa nhạc, thể thao và các sự kiện. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp sẽ không phải làm việc tại nhà và đeo khẩu trang ngoài trời.
Tuy nhiên, một số quốc gia khác trong khu vực vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng các hạn chế. Bộ trưởng Y tế Thụy Điển Lena Hallengren hôm 26/1 đã gia hạn các hạn chế phòng dịch thêm 2 tuần vì mức độ lây nhiễm vô cùng cao. Các quán bar và nhà hàng phải tiếp tục đóng cửa trước 11 giờ đêm.
Hôm 26/1, Đức ghi nhận số ca mắc kỷ lục trong 24 giờ với 164.000 ca nhiễm mới. Giới chức đang thảo luận về các đề xuất bắt buộc hoặc chỉ khuyến khích người dân tiêm chủng. Khoảng 74% dân số Đức đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tỉ lệ này thấp hơn ở Pháp, Italy và Tây Ban Nha.
Người đàn ông đi xe đạp trên một con phố ở Leipzig, Đức. Ảnh: Reuters
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết bắt buộc tiêm chủng là điều “hợp lý” khi khu vực này “đang tiến tới thời điểm kết thúc đại dịch” . Ông cũng cho rằng khoảng 60% người dân châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron vào tháng 3/2022.
“Khi làn sóng dịch bệnh hiện tại chấm dứt, khả năng miễn dịch thông qua lây nhiễm tự nhiêm hoặc tiêm chủng sẽ kéo dài nhiều tuần hoặc vài tháng,” ông Kluge nói đồng thời cho biết thêm COVID-19 có thể quay trở lại vào cuối năm nhưng có thể không gây ra một đại dịch. Song ông cảnh báo vẫn còn quá sớm để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.
“Có rất nhiều lời bàn tán về việc coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, nhưng COVID-19 chỉ trở thành bệnh đặc hữu khi chúng ta có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Loại virus này đã khiến chúng ta ngạc nhiên khi xuất hiện nhiều biến thể”, ông nói và cảnh báo các chủng khác vẫn có thể xuất hiện.
Hải Vân
Nguồn: Báo Tin tức