Anh thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi điều tàu sân bay tới Biển Đông, nhưng có thể gây căng thẳng ngoài ý muốn, theo chuyên gia.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hồi đầu tháng 5 rời cảng, chuẩn bị cho chuyến triển khai làm nhiệm vụ đầu tiên dài 28 tuần. Nhóm chiến hạm dự kiến vượt qua quãng đường hơn 40.000 km, di chuyển ngoài khơi 40 quốc gia.
Hải trình này sẽ là đợt hiện diện lớn nhất của hải quân Anh trong thời bình suốt 25 năm qua. London tuyên bố nhóm tàu sân bay sẽ tới Biển Đông để tham gia các chiến dịch tự do hàng hải, nhưng không đi qua eo biển Đài Loan.
Giới chuyên gia cho rằng đây là cách London phát thông điệp ủng hộ tự do hàng hải tới Bắc Kinh, nhưng cũng cảnh báo nguy cơ leo thang căng thẳng khu vực.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth chạy thử trên biển hồi tháng 10/2020. Ảnh: Royal Navy.
"Đây là diễn biến đáng chú ý nhưng không quá bất ngờ. Chúng ta có thể thấy chính sách đối ngoại của họ tập trung hơn vào Đông Nam Á kể từ khi công bố tài liệu 'Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh'. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Anh sẽ coi trọng vấn đề với Trung Quốc hơn", Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên ngành luật quốc tế tại Đại học Indonesia, chia sẻ với VnExpress.
Darmawan cho rằng chuyến triển khai của nhóm tàu sân bay Anh sẽ có cả mặt tích cực và tiêu cực. Sự hiện diện cho nhóm tác chiến hùng hậu là tín hiệu răn đe, thách thức tham vọng mở rộng ảnh hưởng và độc chiếm khu vực của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ làm leo thang căng thẳng khi lực lượng quân sự của bên thứ ba xuất hiện ở khu vực xảy ra tranh chấp.
"Các nước Đông Nam Á chắc chắn không muốn tình hình căng thẳng hơn, và rõ ràng không quốc gia nào muốn xung đột bùng phát trong khu vực", chuyên gia Indonesia cho hay.
Giáo sư Lawrence B. Brennan, đại tá về hưu từng phục vụ 33 năm trong hải quân Mỹ, đồng quan điểm khi cho rằng Anh đang muốn "phát thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ tới Trung Quốc và các nước trong khu vực".
"Thời điểm và cách thức công bố thông tin về hoạt động của tàu sân bay nhằm thể hiện Anh, Mỹ và nhiều nước khác luôn cam kết duy trì quyền tự do đi lại ở những vùng biển tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nói cách khác, đây là thông báo công khai từ hai cường quốc hải quân hàng đầu thế giới rằng họ sẽ chống lại những mưu đồ nhằm thực thi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc", ông nói.
Giáo sư Brennan cho rằng đây "không phải thông báo suông", khi Washington và London đã triển khai lực lượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ lâu, trong đó Mỹ luôn duy trì một tàu sân bay tiền phương tại Nhật Bản trong suốt 50 năm qua.
Trung tâm nhóm tác chiến là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lớn và hiện đại nhất của Anh, cùng với đó là đội tàu hộ tống gồm hai khu trục hạm phòng không lớp Type 45, hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Type 23, một tàu vận tải hạm đội và một tàu tiếp vận cỡ lớn.
Hà Lan góp lực lượng cho nhóm tác chiến với tàu hộ vệ phòng không HNLMS Evertsen, trong khi Mỹ cử tàu khu trục USS The Sullivans và Phi đoàn tiêm kích thủy quân lục chiến (VMFA) số 211. Giáo sư Brennan cho biết có nhiều lý do khiến Mỹ triển khai lực lượng hùng hậu trong nhóm tàu Anh.
Lực lượng và hành trình dự kiến của nhóm tàu sân bay Anh.
"Đây là cơ hội để HMS Queen Elizabeth tham gia một chiến dịch hiệp đồng liên quân, giúp họ tích lũy kinh nghiệm phối thuộc lực lượng với hải quân Mỹ sau này. Trong khi đó, VMFA-211 cũng được huấn luyện tác chiến ngoài đại dương trong bối cảnh hải quân Mỹ mất tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard trong đám cháy hồi giữa năm ngoái", ông nói.
Chuyên gia Mỹ cho rằng sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh khó thay đổi tình hình Biển Đông trong tương lai gần, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách bành trướng trên Biển Đông và các vùng biển lân cận.
"Đây chỉ là một trong hàng loạt bước đi nhằm ổn định khu vực và hối thúc Trung Quốc kiềm chế khi theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc hải quân khu vực", giáo sư Brennan nhận định.
Vũ Anh
Nguồn: vnexpress.net