Trong bối cảnh Brexit tiến gần hơn, các công ty của Anh đang xuất khẩu nhiều hơn tới 27 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU). EU – Thị trường xuất khẩu chủ lực của Vương quốc Anh. Ảnh minh họa: TTXVN Số liệu chính thức mới được Anh công bố cho thấy bảy trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Anh năm 2017 là các nước EU. Trong năm 2017, nước Anh đã xuất khẩu 37,7 tỷ bảng Anh (53 tỷ USD) hàng hóa sang Đức, tăng khoảng 13% so với năm 2016. Thị trường Đức chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Anh, tăng so với năm 2016.
Trong bối cảnh Brexit tiến gần hơn, các công ty của Anh đang xuất khẩu nhiều hơn tới 27 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).
Số liệu chính thức mới được Anh công bố cho thấy bảy trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Anh năm 2017 là các nước EU. Trong năm 2017, nước Anh đã xuất khẩu 37,7 tỷ bảng Anh (53 tỷ USD) hàng hóa sang Đức, tăng khoảng 13% so với năm 2016. Thị trường Đức chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Anh, tăng so với năm 2016.
Các nước EU chiếm 48,8% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh trong năm 2017, cao hơn mức 48,2% của năm 2016. Tầm quan trọng ngày càng tăng của EU đối với hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Anh chủ yếu là do Anh vẫn là thành viên của EU cho đến tháng 3/2019, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu của Anh cũng được hưởng lợi từ sự sụt giảm mạnh giá trị đồng bảng Anh sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi tháng 6/2016. Đồng euro hiện ở mức 0,89 bảng/euro, so với mức 0,75 bảng/euro trước khi cuộc trưng cầu dân ý về Brexit diễn ra tại Anh.
Ngày 9/2, trưởng đoàn đàm phán về Brexit của Liên minh châu Âu, Michel Barnier khẳng định đang có sự bất đồng lớn với Anh về giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước này rời EU, đồng thời cảnh báo rằng điều này sẽ không giúp đảm bảo đạt được một thỏa thuận giữa hai bên.
Phát biểu tại họp báo ở Brussels sau vòng đàm phán với Anh, ông Barnier nhấn mạnh nếu những bất đồng này còn kéo dài, giai đoạn chuyển giao sẽ không thể thực hiện. Theo quan chức này, hai bên vẫn bất đồng sâu sắc về quyền của công dân EU chuyển tới Anh trong giai đoạn chuyển giao kéo dài 21 tháng, cũng như khả năng Anh phản đối các luật mới thông qua trong giai đoạn này.
Ông bày tỏ hy vọng hai bên có thể giải quyết các bất đồng này trong vòng đàm phán tiếp theo. Trước đó, Bộ trưởng Anh phụ trách Brexit David Davis ngày 8/2 đã chỉ trích EU “hành động thiếu thiện chí” khi đề cập kế hoạch trừng phạt London nếu nước này vi phạm các quy định mà EU đưa ra trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời khỏi “ngôi nhà chung châu Âu”.
Phản ứng trước tuyên bố này, ông Barnier khẳng định EU không hề có ý định trừng phạt song đây là tiêu chuẩn để các thỏa thuận quốc tế có thể thực thi một cách nghiêm túc và hiệu quả.
Anh và EU đã xúc tiến các cuộc đàm phán về thời kỳ chuyển tiếp dự kiến kéo dài 2 năm kể từ sau khi Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019. Theo đó, London sẽ phải tuân thủ mọi quy định của EU và không có quyền đưa ra quyết định, đổi lại Anh được quyền tiếp cận với thị trường chung của khối.
Tuy nhiên, bản dự thảo thỏa thuận do EU công bố ngày 8/2 đề cập đến khả năng áp đặt trừng phạt trong trường hợp Anh vi phạm quy định của EU. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm việc tái áp đặt các loại thuế và kiểm tra hải quan đối với hàng hóa từ Anh nhập khẩu EU – quy định được gỡ bỏ hoàn toàn với Anh trong thời kỳ chuyển tiếp.
Hiện cả London và Brussels đều hy vọng kết thúc các cuộc đàm phán về giai đoạn chuyển tiếp vào cuối tháng 3/2018 để xúc tiến vòng thương lượng tiếp theo về các yếu tố chủ chốt của quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên.
Nguồn: http://bnews.vn