EU sắp tung chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, tăng hiện diện tại Biển Đông

Liên minh châu Âu EU sẽ tung ra chiến lược chính thức nhằm gia tăng hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, kế hoạch được cho nhằm đối phó với Trung Quốc tại khu vực.

1 Eu Sap Tung Chien Luoc An Do Thai Binh Duong Tang Hien Dien Tai Bien Dong

Một tàu Pháp thăm cảng ở Manila, Philippines hồi tháng 3/2018 (Ảnh minh họa: Reuters).

Reuters đưa tin, EU hôm nay dự kiến sẽ thống nhất chiến lược chính thức nhằm gia tăng hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và đối phó với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Kế hoạch này do Pháp, Đức và Hà Lan dẫn đầu, với các bước đầu tiên là nhằm củng cố mối quan hệ với các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia.

Sau bản kế hoạch ban đầu được đưa ra hồi tháng 4, EU sẽ thống nhất chi tiết cách thức mà họ sẽ củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trong các lĩnh vực môi trường thương mại, chính sách số, cũng như tăng cường hiện diện hàng hải để đảm bảo các tuyến giao thương rộng mở.

Các nhà ngoại giao châu Âu nói rằng kế hoạch này không phải là "chống lại Trung Quốc", mặc dù phía quan chức EU cũng thừa nhận rằng Bắc Kinh có thể nhìn nhận theo hướng đó, khi căng thẳng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có dấu hiệu nóng lên trong thời gian qua.

Một bản kế hoạch dự thảo mà Reuters tiếp cận được, viết: "Căng thẳng gia tăng ở những điểm nóng như Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan có thể có tác động trực tiếp tới an ninh và thịnh vượng của châu Âu".

Theo Reuters, kế hoạch này có thể đồng nghĩa với việc, EU sẽ tăng cường nỗ lực ngoại giao trong các vấn đề của Ấn Độ-Thái Bình Dương, đưa thêm nhân sự và nguồn đầu tư tới khu vực, và tăng hiện diện an ninh như điều tàu qua Biển Đông hoặc hợp tác cùng Australia trong hoạt động tuần tra.

Ngoài ra, Nghị viện châu Âu ngày 16/9 đã bỏ phiếu thông qua việc tác động tới các chính phủ EU để theo đuổi chính sách hỗn hợp với Trung Quốc, kết hợp giữa việc hợp tác thương mại và y tế, trong khi duy trì các biện pháp đối phó với những vấn đề bất đồng giữa 2 bên, trong đó có vấn đề nhân quyền.

Diễn biến bất ngờ

Tuy nhiên, theo Reuters, EU hôm 15/9 đã đối mặt với một diễn biến bất ngờ là khi Mỹ, Australia và Anh đã thống nhất một thỏa thuận hợp tác an ninh mới ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, được gọi là AUKUS. Thỏa thuận này dẫn tới việc Australia hủy bỏ hợp đồng 40 tỷ USD mua tàu ngầm của Pháp.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định rằng, động thái của Canberra đã làm ảnh hưởng tới niềm tin giữa các đồng minh. Trong khi đó, tuyên bố chung của Ngoại trưởng Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh rằng, châu Âu sẽ không còn cách nào khác ngoài việc trở nên tự chủ chiến lược để có thể tự bảo vệ lợi ích và giá trị của họ trên toàn cầu, bao gồm khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ông Peter Stano, phát ngôn viên của Cao ủy Đối ngoại EU Josep Borrell, nói rằng khối này không được thông báo trước về thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia và đang cố gắng tìm hiểu thêm thông tin về động thái này.

"Chúng tôi sẽ phải thảo luận với các quốc gia thành viên để đánh giá những tác động của AUKUS", ông Stano nói.

Đức Hoàng

Theo Reuters

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan