Các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết sẽ cấm hoặc không nhập khẩu dầu mỏ từ Nga nhưng không nêu lộ trình cụ thể.
Bên ngoài một cơ sở lọc dầu của Mỹ ở bang California. Washington được cho là đã tìm cách tìm nguồn cung dầu mỏ và khí đốt thay thế trước khi cấm các mặt hàng từ Nga - Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố được phát sau cuộc họp ngày 8-5, nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản cam đoan sẽ cấm hoặc không nhập khẩu dầu mỏ từ Nga "theo cách có trật tự".
Theo báo New York Times, cam kết này cho thấy thế khó của các nước công nghiệp như G7 khi đứng giữa dầu mỏ Nga và hòa bình của Ukraine.
Trong tuyên bố chung ngày 8-5, các nhà lãnh đạo G7 đã không thừa nhận trực tiếp sự phụ thuộc này. Thay vào đó họ giãi bày rằng việc loại bỏ dầu Nga theo cách có tuần tự là nhằm đảm bảo "nguồn cung năng lượng toàn cầu ổn định, bền vững và giá cả phải chăng với người tiêu dùng”.
"Các lệnh cấm dầu là một con dao hai lưỡi", báo New York Times nêu vấn đề. Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga nên Matxcơva gần như chắc chắn sẽ hứng chịu thiệt hại kinh tế lớn nếu các thị trường quay lưng với mặt hàng này.
Tuy nhiên các nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và do đó cũng dễ bị tổn thương. Liên minh châu Âu, nơi có khoảng 1/4 lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga, đã công bố kế hoạch loại bỏ dần dầu mỏ Nga và vẫn đang đàm phán để chính thức hóa quyết định.
EU được cho là quá phụ thuộc vào khí đốt nên vẫn loại trừ khả năng cấm nhập khẩu khí đốt trong ngắn hạn. Điều này trái ngược với Mỹ, nước nhập khẩu một lượng tương đối nhỏ năng lượng từ Nga nên đã mạnh dạn thông báo cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga từ đầu tháng 3 vừa qua.
Nhật Bản, một đồng minh hiệp ước của Mỹ và có tranh chấp lãnh thổ với Nga, cũng đã quyết định cấm nhập khẩu dầu Nga sau cuộc họp ngày 8-5.
Trong tuyên bố phát rạng sáng 9-5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết Tokyo sẽ từ từ loại bỏ dầu Nga để bảo đảm không có sự xáo trộn với cuộc sống của người dân.
"Đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, đó là một quyết định rất khó khăn. Nhưng sự phối hợp với G7 mới là quan trọng nhất vào thời điểm như lúc này", ông Kishida nêu quan điểm.
Nga chiếm khoảng 3,6% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật vào năm 2021. Nguồn cung chính của nền kinh tế số 3 thế giới là các nước Trung Đông, theo Hãng thông tấn Kyodo News.
Thủ tướng Kishida dự cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7, Liên minh châu Âu và Ukraine ngày 8-5 - Ảnh: KYODO NEWS
Cam kết “bơm” tiếp vũ khí cho Ukraine
Trong tuyên bố chung của các lãnh đạo G7, nhóm này cho biết đã đảm bảo với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng đất nước của ông sẽ tiếp tục nhận được các hỗ trợ tài chính và quân sự cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
G7 cũng cam kết sẽ tiếp tục ngăn chặn Nga tiếp cận các dịch vụ tài chính nhằm "củng cố sự cô lập Nga trên tất cả các khía cạnh của nền kinh tế", và trừng phạt những người ủng hộ giới cầm quyền Nga cũng như gia đình của họ.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Ukraine trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Ông tuyên bố mục đích cuối cùng của Ukraine là đảm bảo Nga rút tất cả lực lượng và thiết bị quân sự ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, mong muốn đất nước của ông có đủ năng lực để tự bảo vệ trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận việc xây dựng năng lực quân sự hiện đang dựa vào các đối tác quốc tế trong đó có G7, và ông cảm ơn sự giúp đỡ của các nước từ đầu cuộc chiến đến nay.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online