Giải Nobel Hóa học 2021 đã được công bố vào lúc 16 giờ 45 phút (giờ Việt Nam) ngày 6-10 tại Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska (Thụy Điển).
Giải Nobel Hóa học năm nay được trao cho nhà khoa học người Đức Benjamin List và nhà khoa học Scotland David W.C. MacMillan (giáo sư tại Đại học Princeton - Mỹ) vì sự phát triển liên quan đến chất xúc tác hữu cơ bất đối xứng.
Theo Hội đồng Nobel, xây dựng phân tử là một “nghệ thuật” phức tạp và 2 nhà khoa học nêu trên đã được trao giải Nobel Hóa học 2021 vì đã phát triển thành công một công cụ mới, giúp xây dựng phân tử một cách chính xác: Chất xúc tác hữu cơ.
Phát hiện này đã tạo ra tác động sâu rộng đối với nghiên cứu dược phẩm, đồng thời giúp lĩnh vực hóa học trở nên thân thiện hơn với môi trường.
Chủ nhân của giải Nobel Hóa học 20121. Ảnh: Nobel Prize
Nhiều lĩnh vực và ngành nghiên cứu phụ thuộc vào khả năng của các nhà hóa học trong việc tạo ra các phân tử có thể tạo thành vật liệu đàn hồi và bền, tích trữ năng lượng trong pin hoặc ức chế sự phát triển bệnh tật. Công việc này cần chất xúc tác – vốn là những chất kiểm soát và đẩy nhanh các phản ứng hóa học mà không trở thành một phần của sản phẩm cuối cùng.
Giải thưởng danh giá đi kèm huy chương vàng và số tiền thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1,1 triệu USD).
Năm ngoái, Giải Nobel hóa học vinh danh nhà khoa học người Pháp Emmanuelle Charpentier và nhà khoa học người Mỹ Jennifer A. Doudna vì có đóng góp quan trọng cho phương pháp chỉnh sửa bộ gien. Hai nhà khoa học này đã phát hiện ra công cụ cắt ADN CRISPR-Cas9, công cụ giúp các nhà nghiên cứu có thể thay đổi ADN của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao.
Công nghệ cắt CRISPR-Cas9 có tác động mang tính cách mạng đối với khoa học đời sống, đóng góp vào các liệu pháp điều trị ung thư mới và có thể hiện thực hóa giấc mơ chữa khỏi các bệnh về di truyền.
Sau giải Nobel Hóa học, giải Nobel Văn học và Hòa binh sẽ được công bố lần lượt vào ngày 7-10 và 8-10.
Cao Lực