Ngoại trưởng Anh Dominic Raab giải thích rằng London vẫn cần hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, sau khi công bố chính sách ‘xoay trục’ sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab - Ảnh: REUTERS
Sau khi Anh công bố sách lược mới, tờ Global Times cho rằng London "xoay trục" sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một quyết định "thiếu chín chắn".
"Việc này bắt nguồn từ ảo tưởng của London về việc lấy lại hào quang siêu cường thế giới trong quá khứ, không chỉ tự hạ mình thành một kẻ bợ đỡ Mỹ, mà còn cho thấy sự lạc quan quá mức của Vương quốc Anh về vị thế quốc tế hiện tại của mình", tờ này viết.
Còn phía đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ngày 17-3 nói rằng Bắc Kinh là đối tác chứ không phải mối đe dọa của Anh. "Các nước lớn như Anh và Trung Quốc không nên đối đầu. Trung Quốc không sợ đối đầu nhưng không bao giờ kích động điều đó", tờ Sky News dẫn lời Yang Xiaoguang, quan chức đại sứ quán Trung Quốc, nói.
Phát biểu ngày 17-3, Ngoại trưởng Raab nói rằng Anh sẽ có cách tiếp cận phù hợp với Trung Quốc. "Trung Quốc vẫn ở đó. Chúng tôi không nghĩ rằng quay trở lại trạng thái tâm lý Chiến tranh lạnh. Vẫn có những mặt tích cực, và chúng tôi đang tìm những lĩnh vực hợp tác mang tính xây dựng, rõ ràng là thương mại và kinh doanh", Hãng tin AFP dẫn lời ông Raab giải thích.
Báo cáo đánh giá tổng hợp, đánh giá lại các chính sách ngoại giao và quốc phòng của Anh kể từ những năm 1990, được London công bố ngày 16-3.
Báo cáo cũng đặt ra những đối sách ngoại giao trong thập niên tới nhằm tăng sức ảnh hưởng của Anh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đối phó với sự thống trị của Trung Quốc. Về quốc phòng, Anh cũng sẽ nâng cấp các căn cứ tại Cyprus, Đức, Gibraltar, Kenya, Oman và Singapore, cho phép các lực lượng phản ứng nhanh trước các mối đe dọa.
Tuy nhiên chính sách này được cho là còn mập mờ về việc đối phó với Trung Quốc và chính quyền Thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích là đặt thương mại lên trước an ninh và nhân quyền. Chủ tịch Ủy ban An ninh và tình báo Anh Julian Lewis nói sách lược quá "ngây thơ", trong khi một số khác cho rằng không đối phó cẩn thận với Bắc Kinh ngược lại sẽ khiến Anh dễ bị tổn thương.
Ngoại trưởng Anh cũng nói rằng London có thể hợp tác với Bắc Kinh về chống biến đổi khí hậu. Ông Raab cam kết Anh sẽ vẫn bảo vệ các lợi ích quốc gia và phản đối Trung Quốc trong các vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông.
Trong khi đó, thủ tướng Anh cho rằng Bắc Kinh không phải là mối đe dọa lớn. "Bản đánh giá là về việc chúng ta thúc đẩy quan hệ đồng minh, củng cố năng lực, tìm hướng mới cho các giải pháp và học lại cách đối phó với những nước có tiêu chuẩn ngược lại", ông Jonson nói.
Theo Tuổi Trẻ