Hàng vạn công dân Anh bỗng chốc ra đường vì… nhập cư trái phép

Dành gần như cả cuộc đời sinh sống trên đất Anh và cống hiến cho Vương quốc Anh, vậy mà hàng trăm nghìn người từ các thuộc địa Caribbean đang bị coi là những người nhập cư bất hợp pháp và bị tước đi nhà ở, quyền lợi.

Renford McIntyre rời Jamaica đến sống ở Anh cùng bố mẹ từ khi còn nhỏ. Dành hơn 50 năm sinh sống ở đây, làm đủ loại công việc và trả tiền thuế như hàng chục nghìn người khác từ các thuộc địa Caribbean được khuyến khích đến đây để góp phần xây dựng lại nước Anh sau chiến tranh, Renford McIntyre luôn cho rằng ông là một công dân Anh đích thực.

Đến khi Chính phủ Anh tuyên bố rằng ông không phải một người dân Anh vào năm 2012, ở độ tuổi 60, Renford bỗng chốc trở thành người nhập cư bất hợp pháp. Điều này đã khiến ông không những mất việc, không còn nhận được phúc lợi xã hội mà còn gia nhập đội quân vô gia cư. Khi ông nộp đơn xin trợ cấp nhà ở, cơ quan chức năng từ chối, mặc cho hồ sơ trường học và các tờ khai thuế chứng minh rằng ông đã sống và làm việc ở Anh suốt quãng đời trưởng thành của mình.

426 Content Van
Công dân Caribbean đến Anh trên chuyến tàu Windrush

Thế hệ “bị đánh cắp”

Những người công nhân rời Caribbean đến Anh trong khoảng thời gian từ năm 1948 đến 1971 đều trong tình trạng tương tự như McIntyre. Một số đã bị giam giữ. Một người đàn ông đã bị từ chối điều trị ung thư bởi ông không thể chứng minh với các bác sĩ rằng ông định cư ở Anh một cách hợp pháp.

Ước tính số người bị ảnh hưởng có thể lên đến 500.000 người. Họ là một phần của “Windrush Generation”, chương trình được đặt theo tên chiếc tàu chở hàng loạt người từ các thuộc địa đến Anh. Hộ chiếu của họ khi ấy đã công nhận họ là “Công dân của Vương quốc Anh và các nước thuộc địa”.

Tuy nhiên, đến năm 2010, toàn bộ giấy phép nhập cảnh từ Caribbean của họ đã bị hủy. Họ, những công nhân xây dựng, công nhân đường sắt, y tá, lái xe buýt, xe tải đã cống hiến mấy chục năm trời cho nước Anh, không bao giờ có thể ngờ rằng mình sẽ bị đưa vào diện dân nhập cư bất hợp pháp.

Vấn đề này bắt đầu nổi lên ở Anh kể từ khi bà Theresa May còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và thiết lập một “môi trường thù địch” đối với những người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời áp đặt các yêu cầu khó khăn mới trong năm 2012 buộc mọi người chứng minh tư cách pháp lý của họ. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân sâu xa của sự bất công này nằm ở tình trạng phân biệt chủng tộc vốn đã ăn sâu vào lịch sử phát triển Anh trước cả thời kỳ Windrush.

Cô Danesha Forte, 37 tuổi, cũng có cha mẹ là những người di cư Windrush từ Barbados, không giấu nổi sự bất bình: “Người da đen luôn là mục tiêu của mọi vấn đề, cảnh sát chỉ chăm chăm vào lục soát những người da đen, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Các vấn đề cứ nối tiếp nhau và chúng tôi gần như không được sống yên”.

Vấn đề về người di cư thời kỳ Windrush trong những năm gần đây gợi nhớ đến cách họ bị đối xử khi lần đầu tiên đến Anh. Ông Danny Keen, người đã đến Anh từ Jamaica trên hộ chiếu của mẹ vào năm 1952 cho biết: “Nó gợi lại những định kiến về chủng tộc mà chúng tôi đã trải qua trong những năm 1950, khi mọi người có thể ngăn bạn trên đường phố và nói, “Tại sao mày không quay trở lại đất nước của mày?”. Và đến cuối năm 1960, các bảng hiệu với nội dung “Cấm người Ireland, cấm chó, cấm người da đen” được trưng lên khắp nơi”.

Nỗ lực giải quyết mâu thuẫn

Giữa tháng 4-2018, khi các nhà lãnh đạo của các thuộc địa cũ của Anh tập trung tại London tham gia cuộc họp của khối Thịnh vượng chung, Thủ tướng Anh Theresa May, đã buộc phải lên tiếng xin lỗi vì sự đối xử khắc nghiệt mà nhiều người nhập cư Caribbean đã trải qua và cam kết trao quyền công dân cho tất cả những người bị bắt giữ.

Mâu thuẫn không phải cái Thủ tướng May hướng đến, bởi Anh đã có đủ rắc rối trong mối quan hệ với các nước láng giềng khi họ bỏ phiếu quyết định rời Liên minh châu Âu EU. Anh đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện quan hệ chủng tộc. Cuộc hôn nhân của Hoàng tử Harry với Meghan Markle, một nữ diễn viên người Mỹ gốc Phi, được nhiều người coi là khởi đầu cho việc giải quyết vấn đề này.

Theo ANTD

Bài liên quan