Thay vì “khổ sở” học thuộc lòng một bài thơ, các học sinh ở một ngôi trường tại Anh được chơi với đất sét. Kết quả các em vẫn nắm rõ bài thơ đó.
Một buổi sáng muộn trong lớp học của những đứa trẻ 11 tuổi đang chuẩn bị cho tiết học nói trước công chúng. Có thể bạn sẽ nghĩ ngay tới cảnh này: một học sinh mặt đỏ bừng đứng “chết trân” trước các bạn cùng lớp, vất vả lôi ra từ trí nhớ bài thơ mới được học trước đó một giờ.
Tuy nhiên, ở thành phố Stoke, nước Anh, sẽ không hề có chuyện đó, vì học sinh được làm mọi chuyện theo một cách hoàn toàn khác.
“Thật là vui vì em được dùng tay”, Mohammed Abouebaida, một học sinh lớp 7 tại học viện Thistley Hough, hồ hởi khoe trong lúc đang nặn và tạo khuôn một cục đất sét ướt.
Xung quanh cậu, các bạn cùng lớp cũng đang nặn các chú lính và tạo ra những chiếc xe tăng cùng hàng rào kẽm gai – những biểu tượng trong các bài thơ về Thế chiến Thứ nhất mà chúng sắp thuyết trình.
Theo giải thích của Alison Ward, giáo viên phụ trách, ý tưởng ở đây là trẻ em sẽ học tốt hơn khi chúng chủ động.
“Chúng thật sự thích và nhiệt tình tham gia. Nếu bạn bảo chúng phải nhớ một bài thơ thì nghe khô khan lắm. Làm thế này buộc chúng phải dùng đến những kĩ thuật khác để giúp chúng hoàn thành phần việc của mình, chứ không phải chỉ học vẹt”.
Ở các ngôi trường trên khắp Stoke, đất sét đang được mang trở lại phòng học nhằm giữ gìn di sản nghề gốm đáng tự hào của thành phố này, và cũng để duy trì sự sáng tạo trong chương trình dạy học.
Gần 1.000 học sinh ở 15 ngôi trường trên khắp khu vực có truyền thống làm gốm, Staffordshire Potteries, đã được giới thiệu với đất sét lần đầu tiên trong năm nay theo chương trình đưa đất sét vào trường học.
Chương trình này muốn mọi học sinh ở Stoke phải sử dụng đất sét trong lớp học trễ nhất là vào năm 2021, thời điểm thành phố này hi vọng sẽ là thành phố văn hóa của nước Anh.
Tại các ngôi trường thử nghiệm chương trình này, các giáo viên đã báo cáo những kết quả tích cực dành cho các học sinh “khó bảo”, đặc biệt là những em nam.
“Chúng thật sự tham gia vào việc công việc này với sự sáng tạo và khả năng tự diễn đạt bằng hình ảnh thông qua đất sét”, Julia Rogers – giám đốc thiết kế của Thistley Hough, một trường trung học lớn ở vùng ven của trung tâm thành phố Stoke, cho biết.
Thistley Hough gần đây có học sinh đến từ Afghanistan, Iraq, Cuba và Philippines, và trong số 719 học sinh của trường thì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của 309 em. Điều này cũng có nghĩa đất sét là một cách đặc biệt hiệu quả để giảng dạy.
“Đó là một ngôn ngữ hình ảnh, vì thế không có rào cản”, Rogers nói.
Các ngôi trường tham gia chương trình này đã đưa đất sét vào những chủ đề trong khắp chương trình học, từ khoa học đến tiếng Anh, lịch sử và nghệ thuật.
Trong môn toán, học sinh sẽ dùng đất sét để học hình học. Hiện còn quá sớm để nói rằng phương pháp mới mẻ này đã ảnh hưởng tới kết quả thi, nhưng các giáo viên cho biết học sinh dường như tham gia tích cực hơn và lượng học sinh chọn học các môn nghệ thuật đã tăng lên – trái ngược với xu hướng trên cả nước.
Tại St Peter’s, sự trở lại “khó tin” của đất sét dường như đã tăng thêm lòng tự hào của học sinh trong khu vực Staffordshire Potteries. Thành phố này, như nhiều nơi khác trong các khu vực thời hậu công nghiệp, từng phải vất vả để vượt qua sự đi xuống của ngành gốm, nhưng giờ đây mọi người đang tràn trề hi vọng.
Với Lizzie Critchley, 13 tuổi, một học sinh môn nghệ thuật tại St Peter’s, gốm có thể là điều gì đó mà cô bé theo đuổi như một nghề nghiệp thực sự để tiếp bước ông mình. “Đó là những gì chúng tôi đã được biết tới – chúng tôi có một vùng đầy những lò nung các lọ gốm”, cô bé tự hào nói.
Bạn chung lớp của cô, Jorja Wright, 14 tuổi, cho biết trong kì nghỉ của gia đình mình ở Florida cách đây 2 năm, cô đã “sửng sốt” khi vô tình lật ngược một chiếc đĩa lại và biết rằng nó được làm ở thành phố quê nhà của mình.
Gốm có lẽ không có trong các kế hoạch tương lai của cô bé nhưng hiện Jorja đang thích thú tham gia vào công việc làm gốm này: “Bạn phải làm bất cứ chuyện gì mình muốn, không có luật lệ nào cả”.
Nguồn: tuoitre.vn
London SW6 3JW