Lãnh đạo tối cao Iran cấm nhập khẩu bất cứ loại vaccine nào từ Mỹ và Anh vì cho rằng chúng "hoàn toàn không đáng tin cậy".
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei mới đây tuyên bố cấm nhập khẩu bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào được sản xuất từ Mỹ và Anh.
Lô vaccine nội địa của Iran tham gia quá trình thử nghiệm trên người ở Tehran, Iran. Ảnh: AP
Phát biểu trên truyền hình vào tối 8/1, Lãnh đạo Tối cao Iran cho rằng London và Washington có thể đang tìm cách “gây ô nhiễm” cho các quốc gia khác bằng các giải pháp chống lại virus toàn cầu của họ.
"Nhập khẩu vaccine của Mỹ và Anh vào Iran sẽ bị cấm. Chúng hoàn toàn không đáng tin cậy. Không loại trừ khả năng họ muốn làm ô nhiễm các quốc gia khác" - Lãnh đạo tối cao Iran nói rõ.
Ông Khamenei cũng cho rằng số lượng tăng vọt các ca nhiễm coronavirus ở Mỹ là bằng chứng tốt nhất tại sao các sản phẩm y tế của họ không nên được tin dùng.
“Nếu người Mỹ có thể sản xuất một loại vaccine, họ sẽ không gặp phải tình trạng thất bại do coronavirus như vậy ở đất nước của họ" - ông Khamenei nhận định.
Bên cạnh vaccine được phát triển từ Mỹ và Anh, Iran cũng từ chối mua vaccine của Pháp bởi cho rằng chúng cũng "không đáng tin cậy".
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei
Nhà lãnh đạo Iran cho biết, Tehran dường như cũng đã có lựa chọn nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 "từ những nơi đáng tin cậy khác".
Dẫu ông Khamenei không nói chi tiết các vaccine từ nước ngoài nào song nhiều khả năng vaccine Sputnik V của Nga là được lựa chọn đầu tiên. Iran cũng đã và đang phát triển vaccine của riêng mình và các thử nghiệm giai đoạn đầu đã bắt đầu.
Các phản ứng phụ liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 từ công ty của Mỹ-Đức vaccine AstraZeneca của công ty Anh được ghi nhận nhiều trên thế giới kể từ khi chúng bắt đầu hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm và được công bố trở thành vaccine được tiêm chủng trong chương trình quốc gia ở một số nước.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (US.CDC) cho biết có khoảng 1/100.000 người được thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp bào chế đã bị sốc mẫn cảm nặng.
Số liệu của CDC cho thấy có 21 trường hợp sốc mẫn cảm sau khi được tiêm vaccine thử nghiệm trong số 1.893.360 liều tiêm từ ngày 14-23/12/2020, tương đương với trung bình 11,1 ca dị ứng trên 1 triệu liều tiêm.
Nếu so sánh, các vaccine ngừa cúm gây ra 1,3 ca dị ứng trên tổng số 1 triệu liều tiêm thì tỉ lệ bị sốc mẫn cảm đối với vaccine của Pfizer cao hơn khoảng 10 lần.
Các triệu chứng sốc mẫn cảm bao gồm phát ban, nổi mề đay, phồng lưỡi, khó thở, khản giọng, rộp môi, buồn nôn và khô cổ.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của CDC, bà Nancy Messonnier, cho biết các ca dị ứng vẫn đặc biệt hiếm và việc tiêm vaccine vẫn đem lại lợi ích cho nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đang gây ra những mối nguy hiểm lớn hơn đối với sức khỏe con người. Hơn nữa, bà Messonnier nhấn mạnh rằng chúng ta đã biết cách xử lý bệnh dị ứng và có cung cấp thuốc chữa tại nơi tiêm chủng.
Pháp cấp phép sử dụng vaccine thứ hai ngừa COVID-19
Ở Pháp, vaccine ngừa COVID-19 thứ hai đã được cấp phép. Ngày 8/1, Cơ quan Y tế cấp cao của Pháp đã cấp phép sử dụng loại vaccine của tập đoàn dược phẩm Mỹ Moderna để ngừa dịch COVID-19. Đây sẽ là loại vaccine thứ hai ngừa COVID-19 được sử dụng tại Pháp.
Hai ngày sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho phép vaccine Moderna được lưu hành trên thị trường các nước thành viên Liên minh châu Âu, Cơ quan Y tế cấp cao của Pháp cũng chính thức bật đèn xanh cho loại vaccine này.
Bà Agnès Pannier-Runacher, Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực công nghiệp, cho biết, vaccine Moderna sẽ được sản xuất ngay tại nước Pháp, bên cạnh một số loại vaccine khác.
“Nhà máy của tập đoàn Recipharm, chi nhánh tại Pháp sẽ sản xuất vaccine Moderna từ cuối tháng 2, đầu tháng 3. Sau đó, chúng ta có các nhà máy Delpharm sản xuất vaccine Pfizer-BioNTech, và nhà máy Fareva sản xuất vaccine Curevac, nếu vaccine này được cấp phép trên thị trường” - bà Bộ trưởng cho biết thêm.
Theo Cơ quan y tế cấp cao của Pháp, vaccine Moderna có thể được sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên, kể cả những người rất cao tuổi.
Đây sẽ là loại vaccine thứ hai được Pháp sử dụng, sau vaccine Pfizer-BioNTech, cho phép nước Pháp đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng và giúp nhiều người có thể tiếp cận với vaccine ngừa dịch COVID-19 hơn.
Việt Nam sắp thử nghiệm vaccine thứ 2 trên người
Ông Dương Hữu Thái, viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC, trụ sở tại Khánh Hòa), cho biết trong tuần tới sẽ nộp hồ sơ chính thức lên Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế để đơn vị này có cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả, tác dụng phụ... của loại vắc xin mới, sau đó mới thử nghiệm trên người.
Đây là vaccine thứ hai của Việt Nam do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế nghiên cứu được đưa vào thử nghiệm trên người, sau vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen thử nghiệm trên người giai đoạn 1 từ ngày 17/12/2020.
Vaccine trên đã được thử nghiệm thành công trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... Vì vậy Viện Vaccine và sinh phẩm y tế đã đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm trên người vào cuối tháng 1/2021, sớm hơn dự kiến ban đầu hai tháng.
"Viện có cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm và có sẵn dây chuyền sản xuất vắc xin cúm, có thể chuyển đổi sang vắc xin mới với công suất hàng chục triệu liều/năm được Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị thêm phương án tổ chức, phương án kinh phí cho cuộc thử nghiệm, sớm đưa vắc xin đến người dân" - ông Thái nói.
Theo ông Thái, viện bắt đầu thực hiện nghiên cứu vaccine Covivac từ tháng 5/2020 với mục tiêu sản xuất được vaccine và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng ba giai đoạn trong 18 tháng.
Quế Chi
Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn