Kết quả không như mong đợi

Thủ tướng Anh Theresa May vừa kết thúc chuyến công du 3 ngày (từ ngày 31-1 đến 2-2) tới Trung Quốc. Chuyến đi được cho là để tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh thời hậu Brexit.

Trước chuyến đi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây sẽ là cuộc gặp mặt thủ tướng hàng năm đầu tiên mà hai bên tiến hành kể từ sau chuyến thăm chính thức mang tính lịch sử của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Anh năm 2015, 2 nước tuyên bố xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu trong thế kỷ 21, khởi động “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Trung – Anh.

Đây cũng là chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên của bà May sau khi trở thành thủ tướng, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển quan hệ Trung – Anh trong tình hình mới.
Báo chí Anh nói phát triển quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Theresa May.

426 Content 1 21
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh REUTERS.

Các chuyên gia phân tích của Anh cho rằng do chiến lược nước Anh toàn cầu rất phù hợp với sáng kiến Vành đai và Con đường, nên bà May và các thành viên chủ chốt trong nội các đều tỏ thái độ hoan nghênh và ủng hộ đối với sáng kiến này của Trung Quốc, hy vọng không chỉ tăng cường hợp tác song phương trong khuôn khổ này, mà còn mong đợi tiến hành hợp tác rộng rãi với thị trường của bên thứ ba.
Tuy nhiên, trong bài viết mang tựa đề “Theresa May bắt đầu chuyến thăm tế nhị tại Trung Quốc”, báo Pháp Le Monde nhận định bài toán khó mà thủ tướng Anh phải giải đáp là làm sao thuyết phục Bắc Kinh tăng cường giao thương với London hậu Brexit nhưng không bị buộc phải đáp ứng mọi yêu cầu của Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, bà May đã được tiếp đón trọng thể; được Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết mở rộng cửa hơn nữa để đón nước Anh; được hứa mở cửa thị trường thịt bò cho Anh vốn bị Bắc Kinh cấm nhập từ 20 năm nay do lo ngại bệnh bò điên.

Nhưng bà May đã từ chối ký kết bản ghi nhớ về dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Theo Le Monde, Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt đối với châu Âu thỏa thuận 15 điểm liên quan đến việc thực hiện dự án Vành đai và Con đường.

Hiện còn một số nước châu Âu từ chối ký kết thỏa thuận đó đến khi nào các quy tắc và yêu cầu của châu Âu về tài chính, về tính minh bạch trong đấu thầu, về trách nhiệm xã hội và sinh thái không được đưa vào văn kiện.

Tương tự, tờ Le Figaro cho rằng bà May đã làm Trung Quốc thất vọng khi từ chối ký thỏa thuận về sáng kiến Vành đai và Con đường. Bà May đã hoan nghênh các cơ hội mà dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ này mang tới, nhưng nhắc lại sự cần thiết phải tôn trọng “các chuẩn mực quốc tế”.

Theo Le Figaro, tuy Thủ tướng May rời Trung Quốc với hơn 10 tỷ EUR hợp đồng cùng nhiều hướng mở để loại bỏ rào cản thương mại nhưng Trung Quốc chỉ chiếm hơn 4% trao đổi thương mại của Anh, trong khi châu Âu chiếm đến 44%.

Trái với những tiên đoán về cơ hội vàng ngoài EU, nghiên cứu mật của chính phủ Anh về tác động của Brexit bị rò rỉ cho thấy các hiệp ước về thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, các quốc gia vùng Vịnh và Nam Á gộp lại cũng chỉ mang lại thêm 0,1% – 0,4% tăng trưởng.

Trong khi đó, việc chia tay với Brussels sẽ làm London mất 2% – 8% tăng trưởng trong vòng 15 năm. Le Figaro cho rằng bất chấp những ca tụng về “Kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương, chiến dịch “quyến rũ” Anh của Trung Quốc mới chỉ thành công phân nửa.

Nguồn: http://www.sggp.org.vn

Bài liên quan