Việc không tới thăm nước Anh của ông Trump không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà nằm trong những dự tính nhất định của Tổng thống Mỹ.
Ông Trump không hề lầm lẫn
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa không thực hiện chuyến thăm Anh như đã dự định. Lý do chính thức ông Trump đưa ra cho quyết định ấy là không muốn cắt băng khánh thành trụ sở mới của Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ tại thủ đô London của nước Anh.
Theo quan điểm của ông Trump, việc bán quá rẻ trụ sở cũ ở vị trí đắc địa nhất để xây trụ sở mới ở vị trí tồi tệ hơn với chi phí quá cao (1,2 tỷ USD) là sai lầm lớn của người tiền nhiệm Barack Obama.
Ông Trump không sai khi so sánh vị trí cũ vị trí mới của ĐSQ Mỹ ở London.
Nhưng ông hoàn toàn sai hoặc đã nhầm lẫn tệ hại khi đổ trách nhiệm cho ông Obama bởi chuyện này đã được quyết định từ tháng 10/2008, tức là từ thời tổng thống Mỹ George W. Bush và khi ông Obama còn chưa đắc cử tổng thống.
Hơn nữa, lý do cho việc ông Bush quyết định bỏ trụ sở cũ và xây dựng trụ sở mới là đảm bảo an ninh lại rất thuyết phục cả ở thời ấy lẫn hiện tại.
Ông Trump đã lầm lẫn chăng ? Chắc không có chuyện ấy.
Cho tới nay, mọi người đều có thể thấy là ông Trump rất giỏi trong việc mập mờ giữa sự thật và Fake News (tin tức giả).
Đây đâu có phải lần đầu tiên ông Trump dùng thông tin sai để biện luận cho quyết định của mình. Tự phủ nhận mình cũng là chuyện thường thấy ở ông Trump.
Chẳng phải vừa rồi, ông Trump đã sử dụng ngôn từ dung tục nói về Haiti, El Salvador và các nước châu Phi trong sự chứng kiến của rất nhiều người. Nhưng khi vấp phải phản ứng phẫn nộ của thế giới bên ngoài, ông Trump lập tức quả quyết không hề đã sử dụng những ngôn từ ấy.
Cho nên trong chuyện chưa thực hiện chuyến thăm Anh này, chắc chắn ông Trump đã cố tình tạo ra nguyên cớ giả để tránh phải nói ra lý do thật.
Những nguyên nhân thật, Có 3 lý do thật.
Thứ nhất, khi là người đứng đầu nhà nước và chính phủ nước ngoài đầu tiên làm khách của ông Trump ở Nhà Trắng, thủ tướng Anh Theresa May đã chuyển tới ông Trump lời mời của Nữ hoàng Anh Elizabeth II sang thăm chính thức cấp nhà nước Anh.
Ở Anh, Nữ hoàng mời khác với thủ tướng mời mặc dù thủ tướng nắm thực quyền. Nữ hoàng mời thăm là nghi thức lễ tân nhà nước cao nhất và trang trọng nhất cho nên cũng rất hiếm thấy.
Theo thông lệ, nếu được Nữ hoàng Elizabeth II mời thăm chính thức cấp nhà nước, nghi thức lễ tân cho ông Trump sẽ bao gồm quốc yến trong cung điện Buckingham, ngồi cùng Nữ hoàng trong cỗ xe ngựa của Hoàng gia đi dọc một vài tuyến phố ở London và phát biểu trước lưỡng viện lập pháp.
Lời mời này của Nữ hoàng Elizabeth II đã làm nội bộ xã hội Anh bị phân rẽ. Đã có hơn 2 triệu người Anh khuyến nghị Hoàng gia huỷ lời mời. Chính quyền thủ đô London không muốn đón tiếp ông Trump.
Rất nhiều tổ chức và cá nhân ở Anh đã tuyên bố sẽ tổ chức biểu tình phản đối rầm rộ ông Trump nếu người này tới thăm Anh. Tình hình ấy buộc Hoàng gia và chính phủ Anh rõ ràng không thể không suy tính lại để làm sao vừa tổ chức được cho ông Trump tới thăm lại vừa không làm nội bộ xã hội sôi sục.
Tức là, nước Anh cân nhắc mức độ đón tiếp ông Trump. Ông Trump quyết định từ chối tới thăm Anh vào tháng 2 tới này vì chuyện dàn xếp giữa hai bên để ông Trump được đón tiếp với nghi thức lễ tân nhà nước cấp cao nhất chưa được ổn thoả.
Thứ hai, ông Trump lo ngại bị dân chúng ở Anh phản đối. Ông Trump thừa biết rằng không thể có chuyện tất cả mọi người đều hâm mộ và tung hô mình.
Nhưng đối với một người vốn luôn cho mình là tài giỏi nhất, chỉ thích được khen ngợi, chỉ muốn được tung hô như ông Trump mà lại bị phản đối rầm rộ ở Anh thì đâu có khác gì bị giáng đòn thẳng vào thể diện và bị nước lạnh dội thẳng xuống người.
Vì chuyện ấy chắc chắn sẽ xảy ra đối với ông Trump ở Anh nên người này phải tránh. Vừa cẩn tắc sẽ vô ưu lại vừa “tránh voi chẳng hổ mặt nào”.
Thứ ba, mối quan hệ giữa Mỹ và Anh cũng như giữa cá nhân bà May và ông Trump hiện không còn được tốt đẹp và thân thiết như cách đây một năm.
Khúc mắc là chuyện ông Trump đăng tải lại trên Twitter các đoạn video của những tổ chức cực hữu và dân tuý ở Anh khiến bà May phải chính thức phản đối.
Khúc mắc là thất vọng của chính phủ của bà May về ông Trump liên quan đến việc hình thành mối quan hệ đối tác song phương mới cho thời kỳ sau Brexit, tức là sau khi nước Anh ra khỏi EU.
Phía Anh bắt đầu thất vọng vì không thể dựa cậy được vào Mỹ và ông Trump như đã hy vọng, tuy không nói ra nhưng ngậm ngùi là đã đầu tư sai thời điểm với lời mời ông Trump sang thăm chính thức cấp nhà nước Anh.
Hoãn không có nghĩa là huỷ nên ông Trump còn thời gian và cơ hội để tới thăm nước Anh. Vấn đề chỉ là với mức độ nghi thức lễ tân nhà nước như thế nào và vào thời điểm nào mà thôi.
Nguồn: Soha.vn