Covid-19 đã "thổi bay" tất cả thành quả tăng trưởng của kinh tế Anh trong 7 năm qua, đưa nước này trở về quy mô tương đương với năm 2013...
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Anh, nền kinh tế nước này vừa có một năm giảm mạnh nhất trong hơn 300 năm với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt 9,9% trong năm 2020.
Dù mức lao dốc 9,9% bớt nghiêm trọng hơn so với các dự báo, nhưng con số này đã vượt qua mức giảm 9,7% của kinh tế nước này trong Đại Suy thoái năm 1921. Đây cũng là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1709, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Anh. Đó là khi châu Âu trải qua mùa đông khắc nghiệt nhất trong 500 năm, gây ra tử vong trên diện rộng và hủy hoại nền kinh tế nghiêm trọng.
"Lần này, một đại dịch là thủ phạm, còn khi đó (năm 1709) thủ phạm là Khủng hoảng Sương mù với biển Bắc đóng băng và cuộc chiến giành quyền kế vị tại Tây Ban Nha", chiến lược gia Kit Juckes của Societe Generale cho biết trong một báo cáo nghiên cứu ngày 12/2.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy kinh tế nước này đã có dấu hiệu phục hồi phần nào trong những tháng cuối của năm 2020 với GDP tăng 1% trong quý 4. Tuy nhiên, GDP có sự chênh lệnh lớn giữa tháng 10 và tháng 12, chủ yếu do các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách được tái áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh.
Anh là một trong những nền kinh tế lớn hứng chịu suy thoái mạnh nhất trong năm 2020. Đức, nền kinh tế lớ nhất châu Âu, có mức suy giảm ít nghiêm trọng hơn trong năm qua so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ước tính sơ bộ cho thấy kinh tế Đức giảm 5% trong năm 2020. Trong khi đó, GDP của Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ giảm 6,4%, theo Eurostat. Kinh tế Mỹ thậm chí "làm tốt hơn" với GDP chỉ giảm 3,5% so với năm trước.
"Số liệu công bố hôm nay cho thấy kinh tế Anh đã chịu cú sốc lớn gây ra bởi đại dịch - cuộc khủng hoảng cũng xảy ra tại các quốc gia khác trên thế giới", Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết. "Dù có một số tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế trong mùa đông, chúng tôi biết rằng các biện pháp phong tỏa phòng dịch hiện tại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới người dân và doanh nghiệp Anh".
Đợt phong tỏa trên toàn quốc mới tại Anh, được áp dụng từ ngày 5/1, được dự báo sẽ gây tác động lớn tới nền kinh tế nước này trong quý 1/2021, đảo ngược đà tăng trưởng của quý 4/2020.
"Có vẻ như Anh chỉ có thể trì hoãn được đợt suy thoái kép chứ không tránh được hoàn toàn", Sam Miley, nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh tại London, nhận xét.
Các nhà xuất khẩu tại Anh đang phải vật lộn để đưa sản xuất vào châu Âu do bị trì hoãn tại biên giới cũng như hàng loạt quy định mới trong hệ thống hải quan mới sau khi Anh rời khỏi EU. Các công ty bán thực phẩm tươi, như thủy hải sản và thịt, thậm chí phải bỏ sản phẩm vì không thể xuất khẩu. Kể cả khi tình hình được cải thiện, các thỏa thuận thương mại mới được dự báo sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp Anh - vốn có hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc lớn vào châu Âu.
Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 25% người trưởng thành tại Anh bị ảnh hưởng tài chính, với khối nợ khổng lồ hoặc không có đủ tiết kiệm để vượt qua những "những sự kiện tiêu cực trong đời" như bị sa thải, giảm giờ làm hoặc bệnh tật, theo một khảo sát được Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) công bố ngày 11/2.
Kết quả khảo sát cho thấy gần 40% người trưởng thành Anh bị ảnh hưởng tài chính do đại dịch, trong đó người lao động trẻ, người da màu và những người tự doanh chịu tác động lớn nhất.
Tuy nhiên, 50% số người tham gia khảo sts của FCA cho biết đại dịch không làm xáo trộn tình hình tài chính của họ, trong đó có khoảng 15% giàu hơn trong đại dịch. Ông Andy Haldane, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh, cho rằng đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy tiêu dùng.
"Việc triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng trên khắp Vương quốc Anh là yếu tố quyết định để xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến chống Covid-19", ông Haldane cho biết. "Đây cũng là yếu cố quyết định để xoay chuyển nền kinh tế, với một lượng lớn năng lượng tài chính dồn nén đang chờ được giải phóng, giống như một chiếc lò xo cuộn vậy".
Theo VnEconomy