Theo tờ DailyMail, đợt tuyết lạnh băng giá kỷ lục tại Anh kể từ tháng 12/2010 ước tính gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh tới 1 tỷ bảng/ngày.
Trận bão tuyết dữ dội do đợt không khí lạnh từ vùng Siberia cùng với trận bão Emma đã nhấn chìm nước Anh trong băng tuyết từ ngày 28/2 đến 2/3, làm tê liệt các loại phương tiện giao thông công cộng trên toàn nước Anh.
Nhiều tuyến đường giao thông đường bộ bị tắc nghẽn, nhiều tuyến tàu hỏa, tàu điện ngầm và các sân bay đã phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người dân và gây thiệt hại nặng nề kinh tế Anh.
Người dân vẫn được khuyến cáo hạn chế tối đa việc đi lại trong những ngày này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nguy cơ xảy ra lụt lội tại một số vùng do gió to và mưa do bão Emma gây ra hôm 2/3. Tình trạng mất điện, mất sóng điện thoại và mất nước đã xảy ra tại nhiều nơi, không chỉ tại các thị trấn nhỏ mà ngay tại cả thủ đô London.
Nhiều chuyến tàu hỏa tiếp tục bị hoãn hoặc hủy bỏ trong ngày 3/3 và hệ thống đường sắt tại Anh hiện vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại.
Hơn 1.200 chuyến bay trên toàn Anh và Ireland đã phải hoãn trong ngày 3/3. Mặc dù nhiều sân bay đã mở cửa lại và các đường bay đã được nối lại, song hành khách vẫn được khuyến cáo liên tục kiểm tra thông tin về các chuyến bay của mình với các hãng hàng không trước khi ra sân bay.
Báo chí địa phương cho biết, ước tính nền kinh tế Anh có thể thiệt hại tới 1 tỷ bảng/ngày, khiến tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý I/2018 dự đoán sẽ chỉ đạt mức 0,2%, giảm 50% so với ước tính ban đầu.
Theo các nhà phân tích kinh tế, đợt băng tuyết nặng nề nhất trong 3 ngày qua, đợt lạnh kỷ lục của nước Anh kể từ năm 2010, đã khiến ngành công nghiệp xây dựng của Anh bị thiệt hại mất 2 tỷ bảng do thời tiết quá lạnh, tuyết phủ dày buộc các công nhân phải nghỉ việc.
Ông Howard Archer – cố vấn cấp cao của Hãng tư vấn EY cho rằng, do đóng cửa các cửa hàng, khu vui chơi giải trí như nhà hát, rạp xem phim và các nhà hàng khiến hoạt động kinh tế bị suy giảm, trong khi sản xuất bị ảnh hưởng do các hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu thô phục vụ cho các chuỗi cung ứng phải hoãn lại.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế cho biết sản lượng chung có thể giảm tới 20% và chi phí hoạt động sản xuất năng lượng chiếm từ 8 – 10% của GDP cũng tăng thêm ít nhất là 20%.
Theo kinhtedothi
London SW6 3JW