Từ thời kỳ thế chiến 1 đến nay, cờ đầu lâu xương chéo được treo trên các tàu ngầm của Hải quân Anh như một truyền thống nhằm đánh dấu chiến công mà các tàu lập được khi tham gia tác chiến. Lá cờ cướp biển treo trên tàu Anh (Ảnh: Dailymail) Trong quá khứ, quân đội Anh dường như khá có định kiến về tàu ngầm. Năm 1901, cựu Đô đốc hải quân hoàng gia Arthur Wilson từng cho rằng tàu ngầm là loại tàu “lén lút, gian lận, và không đúng chất Anh”. Ông còn cố thuyết phục hải quân treo cổ các thủy thủ tàu ngầm đối phương bị bắt, như cách đối xử với cướp biển thời trước.
Từ thời kỳ thế chiến 1 đến nay, cờ đầu lâu xương chéo được treo trên các tàu ngầm của Hải quân Anh như một truyền thống nhằm đánh dấu chiến công mà các tàu lập được khi tham gia tác chiến.
Trong quá khứ, quân đội Anh dường như khá có định kiến về tàu ngầm. Năm 1901, cựu Đô đốc hải quân hoàng gia Arthur Wilson từng cho rằng tàu ngầm là loại tàu “lén lút, gian lận, và không đúng chất Anh”. Ông còn cố thuyết phục hải quân treo cổ các thủy thủ tàu ngầm đối phương bị bắt, như cách đối xử với cướp biển thời trước.
Tháng 9/1914, tàu ngầm Anh HMS E9 phóng ngư lôi và đánh chìm tàu tuần dương Đức SMS Hela. Nhớ lại lời nói của ông Wilson, sĩ quan chỉ huy Max Horton đã ra lệnh cho các thủy thủ thiết kế một Jolly Roger (cờ cướp biển), và treo nó lên khi về cảng. Trên lá cờ nền đen, ngoài hình đầu lâu xương chéo còn có vạch khâu đánh dấu một tàu địch đã bị tiêu diệt.
Vài tàu ngầm khác nhanh chóng học theo: tàu HMS E12 treo một lá cờ nền đỏ với đầu lâu xương chéo khi quay về từ chiến dịch Dardanelles tháng 6/1915, và bức ảnh đầu tiên về cờ cướp biển trên tàu ngầm được chụp vào tháng 7/1916. Hải quân Anh lúc đầu không đồng tình việc này, nhưng sau đành phải chấp nhận vì không ngăn cản được.
Việc treo cờ cướp biển được tiếp tục trong thế chiến thứ hai, vào tháng 10/1941 khi tàu ngầm HMS Osiris đánh chìm tàu khu trục Italy Palestro và quay trở về cảng Alexandria. Một lá cờ cướp biển được trao cho thủy thủ đoàn để đánh dấu lần ra khơi thành công đó. Về sau, mọi tàu ngầm của hạm đội Anh ở đây đều có cờ cướp biển.
Các thành viên trên tàu có nghĩa vụ phải bảo vệ lá cờ và cập nhật thành tích bằng cách thêm vào nó các biểu tượng mới. Một tàu ngầm sẽ được phép sử dụng cờ cướp biển sau khi tiêu diệt một mục tiêu: cờ sẽ được kéo lên khi con tàu vượt qua hàng rào chống ngầm trong cảng, hạ xuống vào lúc hoàng hôn, và không thể treo lại đến khi có thành tích mới.
Không chỉ đánh dấu thành tích, cờ cướp biển cũng được treo khi con tàu trở về Anh từ một hoạt động quân sự thành công ở nước ngoài. Tàu HMS Conqueror treo cờ cướp biển với hình một tàu tuần dương nhỏ để ghi dấu chiến công đánh chìm tàu tuần dương Argentina ARA General Belgrano trong cuộc chiến ở quần đảo Falklands năm 1982. Tương tự là các tàu HMS Opossum và HMS Otus trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Những tàu khác treo cờ cướp biển với ký hiệu đánh dấu số lần phóng tên lửa Tomahawk (mua từ Mỹ) thành công.
Một số nước đồng minh của Anh cũng học hỏi và sử dụng cờ cướp biển, các trường hợp được ghi nhận là tàu ngầm ORP Sokół và ORP Dzik của Ba Lan, tàu HMAS Ovens và HMAS Onslow của Australia, và gần đây nhất là tàu USS Jimmy Carter của Mỹ.
Nguồn: http://dantri.com.vn