Làn sóng dịch bệnh mới ở châu Âu

Một làn sóng dịch COVID-19 mới đang bao trùm khu vực phía đông và trung của châu Âu, khu vực duy nhất trên thế giới hiện có số ca nhiễm gia tăng. Người phát ngôn của thủ tướng Anh cảnh báo một mùa đông thách thức sắp đến.

Trong khi số ca mắc COVID-19 khắp thế giới đang giảm, số ca ở châu Âu đã tăng liên tiếp ba tuần qua. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), làn sóng dịch xuất phát từ các nước như Czech, Hungary và Ba Lan - nơi có số ca tăng 50% trong tuần qua.

Chúng ta sắp bước vào mùa đông và mọi thứ sẽ chỉ tệ hơn thôi.

Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học của Đại học Queen Mary tại London, cảnh báo về tình hình tại Anh trên Đài CNN.

1 Lan Song Dich Benh Moi O Chau Au

Điểm nóng Anh, Đông Âu

Theo chuyên gia Mike Ryan của WHO, đợt bùng phát này đã bắt đầu đè nặng lên hệ thống y tế của nhiều nước. Bên ngoài các phòng cấp cứu ở Romania, xe cứu thương chở bệnh nhân COVID-19 xếp thành hàng vì các bệnh viện đã hết giường trong khi các bác sĩ kiệt sức. Hầu hết người bệnh chưa tiêm ngừa. 

"Tình hình rất nghiêm trọng. Chúng tôi rất tức giận. Dù chúng tôi đã nói về nguy cơ mắc bệnh nặng, họ vẫn từ chối tiêm ngừa" - nhân viên cấp cứu Radu Tincu của Bệnh viện Floreasca ở Bucharest, cơ sở cấp cứu lớn nhất Romania, nói với báo Financial Times.

Theo thống kê của Reuters đến ngày 24-10, số ca mắc COVID-19 tại khu vực Đông Âu đã gần chạm ngưỡng 20 triệu với trung bình hơn 83.000 ca mỗi ngày. Tỉ lệ mắc bệnh tăng mạnh trong những ngày qua và cao nhất kể từ cuối năm ngoái. Hơn 40% số ca mới ở khu vực này thuộc về Nga, với trung bình 120 người dương tính mỗi 5 phút.

Không phải trùng hợp khi mà khu vực này có tỉ lệ tiêm ngừa thấp nhất châu Âu, chưa tới 1/2 người dân đã tiêm một liều. Hungary có tỉ lệ tiêm ngừa cao nhất (59%), trong khi Ukraine chỉ mới tiêm được cho 16% người dân. Bulgaria chỉ mới tiêm được cho 20% dân số và Romania còn thấp hơn. Tỉ lệ tiêm ngừa thấp cũng góp phần khiến tỉ lệ tử vong cao ở một số nước như Bulgaria, chiếm 4% số người mắc bệnh.

Tuy nhiên, Anh là một trường hợp đặc biệt khi hiện ghi nhận hàng chục ngàn ca mới mỗi ngày dù tỉ lệ tiêm ngừa cao (79% dân số trưởng thành tiêm đủ liều) và triển khai tiêm ngừa sớm. Với hơn 50.000 ca mỗi ngày, số ca ở Anh còn nhiều hơn cả các nước láng giềng như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha cộng lại. Giới chuyên gia cho rằng điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm việc tác dụng của vắc xin đang giảm dần.

Ngoài ra, tỉ lệ mắc bệnh rất cao ở nhóm trẻ em cũng góp phần làm lây lan dịch bệnh. "Tôi nghĩ chúng ta đã phải trả giá đắt vì sự dè dặt và trì hoãn trong việc tiêm ngừa cho học sinh cấp hai" - giáo sư miễn dịch học Danny Altmann của Trường đại học Hoàng gia London nhận định.

Thế nhưng, Thủ tướng Anh Boris Johnson cuối tuần qua đã bác bỏ khả năng tái phong tỏa, cho rằng xu hướng gia tăng ca bệnh đã được dự báo. London cũng khẳng định chưa cần đưa ra "kế hoạch B" gồm bắt buộc đeo khẩu trang, yêu cầu làm việc tại nhà hoặc sử dụng "hộ chiếu vắc xin".

2 Lan Song Dich Benh Moi O Chau Au

Dữ liệu: Trần Phương - Đồ họa: N.KH. - Nguồn: Statista (tính đến 21-10-2021)

Lo biến thể mới

Ngoài các vấn đề liên quan tiêm chủng, châu Âu cũng đang lo lắng với biến thể mới của virus corona. Một báo cáo mới đây cho thấy một đột biến mới của chủng Delta, AY.4.2 - còn gọi là "Delta Plus", tại Anh có khả năng lây nhiễm mạnh hơn và đồng nghĩa với việc làm giảm hiệu quả của vắc xin. 

"Hệ thống y tế của chúng ta đang gặp nguy. Cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng là tiêm ngừa" - Thủ tướng Krišjānis Kariņš của Latvia nói trong tuần qua, cho rằng tỉ lệ tiêm ngừa thấp khiến số ca nhập viện tăng. 

Latvia, chỉ mới tiêm đủ cho 57% dân số, là quốc gia châu Âu đầu tiên tái áp đặt phong tỏa trong tuần qua vì COVID-19.

Trong khi đó, thủ đô Matxcơva của Nga sẽ đóng cửa các doanh nghiệp vào tuần sau, còn Ukraine cũng kéo dài tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca nhiễm cao kỷ lục. Để chuẩn bị cho mùa đông, Ý từ ngày 15-10 đã áp dụng biện pháp yêu cầu tiêm ngừa nghiêm nhất châu Âu, buộc tất cả lao động phải có "thẻ xanh" vắc xin, xác nhận đã khỏi bệnh hoặc kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ.

Nhưng giữa tình hình khẩn cấp đó, người dân tại một số nước vẫn chia rẽ về vấn đề tiêm ngừa. Theo Reuters, nhiều người biểu tình ở Sofia (Bulgaria) và nhiều thành phố khác để phản đối áp dụng chứng nhận tiêm ngừa. Một khảo sát của Ủy ban châu Âu cho thấy 1/3 người dân ở khu vực phía đông Liên minh châu Âu không tin vào hệ thống y tế.

Chuyên gia dịch tễ Maria Ganczak tại Ba Lan cho rằng sự thiếu tin tưởng vào các cơ quan công, áp dụng không nghiêm các biện pháp chống dịch, thiếu xét nghiệm, truy dấu và chậm tiêm ngừa đang đổ thêm dầu vào cuộc khủng hoảng.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan