Làn sóng lây nhiễm tại Bỉ giảm, biến thể Delta lan nhanh tại Đức, Anh

Làn sóng lây nhiễm virus SARS-Cov-2 đang tiếp tục có xu hướng giảm tại nhiều nước châu Âu, đặc biệt là tại Bỉ, trong 24 giờ qua, toàn nước Bỉ có tổng cộng 493 ca mắc COVID-19.

1 Lan Song Lay Nhiem Tai Bi Giam Bien The Delta Lan Nhanh Tai Duc Anh

Người dân chờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại London, Anh, ngày 17/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, làn sóng lây nhiễm virus SARS-Cov-2 đang tiếp tục có xu hướng giảm tại nhiều nước châu Âu, đặc biệt là tại Bỉ.

Số liệu cập nhật mới nhất của hãng tin Reuters cho thấy toàn châu Âu ghi nhận ít nhất 47.317.000 ca mắc COVID-19 và 1.248.000 ca tử vong.

Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Bỉ tiếp tục được khống chế do chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tại nước này đã phát huy tác dụng khi có tới 63,9% số người trưởng thành được tiêm mũi đầu tiên phòng COVID-19 và 36,1% số người trưởng thành được tiêm phòng đầy đủ.

Theo số liệu mới nhất của Viện Y tế quốc gia Vương quốc Bỉ (Sciensano), trong 24 giờ qua, toàn nước Bỉ có tổng cộng 493 ca mắc COVID-19. Trong khoảng thời gian từ ngày 8/5 đến ngày 14/6, trung bình 671 trường hợp mắc mới được phát hiện mỗi ngày, giảm 43% so với tuần trước đó.

Về công tác xét nghiệm COVID-19, trung bình 39.500 xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày với tỷ lệ dương tính là 2,2%.

Tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 (Rt) tại Bỉ hiện là 0,71, tức là dịch COVID-19 đang tiếp tục giảm tại Bỉ. Rt là số người mà một người có thể lây cho người khác, được tính toán trên cơ sở các lần nhập viện. Một đợt bùng phát được coi là vẫn lây lan nếu Rt lớn hơn 1 và giảm nếu Rt nhỏ hơn 1. Do Rt nhỏ hơn 1, nên dịch bệnh tại Bỉ đang được coi là giảm.

Trong khoảng thời gian từ ngày 11-17/6, số ca nhập viện mới tại Bỉ là 37,4 ca mỗi ngày, giảm 38% so với giai đoạn trước đó. Tổng số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện hiện là 555 ca giảm 32%, trong đó có 236 ca đang nằm tại khoa chăm sóc đặc biệt, giảm 22%.

Về số ca tử vong, từ ngày 8/5 đến ngày 14/6, trung bình mỗi ngày có 7 ca tử vong.

Với dân số 11,5 triệu người, kể từ đầu đại dịch tới nay, Bỉ ghi nhận tổng cộng 1.078.251 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 25.117 ca tử vong.

Trái ngược với tình hình tại Bỉ, số ca nhiễm mới tại Nga và Anh vẫn ở mức cao, trung bình trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở những nước này lần lượt là 13.728 ca và 8.211 ca.

Tính trung bình trong 7 ngày qua, các nước có số ca nhiễm mới cao nhất tại châu Âu là Nga (13.728), Anh (8.211), Tây Ban Nha (4.797), Pháp (3.165), Đức (1.596). Các quốc gia có số ca tử vong cao nhất là Nga (388), Romania (105), Đức (83), Pháp (58), Ukraine (56).

Anh ghi nhận số ca nhiễm biến thể Delta tăng mạnh

Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE) của Anh ngày 18/6 công bố các số liệu cho thấy số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tính theo tuần tiếp tục tăng mạnh tại Anh. Thông báo được đưa ra sau khi Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định lùi thời điểm dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa cuối cùng.

Theo PHE, 33.630 ca mới nhiễm biến thể Delta (được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ) trong tuần đến ngày 16/6, nâng tổng số ca nhiễm lên 75.953, tăng 79% so với mức tổng ghi nhận trong tuần trước đó. 

PHE cho biết biến thể Delta hiện chiếm 91% số ca nhiễm. Tính đến ngày 14/6, tổng cộng 806 ca nhập viện vì nhiễm biến thể này, tăng gần gấp đôi so với con số 423 ca trong tuần trước.

Người đứng đầu Cơ quan an ninh Y tế Anh Jenny Harries cho biết: "Số ca nhiễm đang tăng nhanh chóng trên cả nước và biến thể Delta hiện đang lây lan chính. Đáng mừng là số ca nhập viện và tử vong không tăng như vậy nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi kỹ."

Nhằm ứng phó với thực tế là số ca nhiễm biến thể Delta tăng, Thủ tướng Johnson định thúc đẩy các kế hoạch tiêm phòng để tất cả người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vaccine trước ngày 19/7, cũng là ngày mà ông mới ấn định để chấm dứt các biện pháp phòng dịch tại vùng England.

Từ ngày 18/6, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã được mở cho tất cả mọi người từ 18 tuổi tại vùng England. PHE cho biết vaccine vẫn hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người khỏi nguy cơ nhập viện khi nhiễm biến thể Delta.

Do số ca nhiễm mới tại Anh vẫn ở mức cao, nên nước này đã quyết định hủy bỏ lễ hội đường phố Notting Hill - một trong những lễ hội đường phố lớn nhất thế giới, diễn ra ở phía Tây thủ đô London. Sau khi bị hủy bỏ vào năm 2020, lễ hội kéo dài 3 ngày này dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 8 tới. Như vậy, đây là lần thứ 2 lễ hội này bị hủy bỏ do dịch COVID-19.

Đơn vị tổ chức lễ hội đường phố Notting Hill đang xem xét tổ chức các sự kiện khác thay thế. Năm ngoái, màn trình diễn của các vũ công, ban nhạc đặc trưng của lễ hội đường phố được phát trực tuyến.

Anh là một trong những nước chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nước này ghi nhận 128.000 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 11.007 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 2 vừa qua, số ca nhiễm mới tại Anh ở mức trên 10.000.

Tuy nhiên, ngày 18/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định ông vẫn tự tin về khả năng dỡ bỏ các hạn chế phòng, chống dịch COVID-19 tại nước này theo đúng kế hoạch vào ngày 19/7 tới.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Hiệp hội Y khoa Thế giới cảnh báo biến thể Delta lây lan tại Đức.

Cảnh báo biến thể Delta lây lan nhanh tại Đức

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Văn phòng Thủ tướng Đức kêu gọi người dân nước này hạn chế đến xem các trận đấu tại vòng chung kết EURO 2020 để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Chủ tịch Hiệp hội y khoa thế giới, ông Frank Ulrich Montgomery cho biết biến thể Delta ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Đức. Đây là biến thể đặc biệt dễ lây lan và có thể bùng phát nhanh chóng, nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó.

 2 Lan Song Lay Nhiem Tai Bi Giam Bien The Delta Lan Nhanh Tai Duc Anh

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Berlin, Đức, ngày 4/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Biến thể này nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh. 

Ông Montgomery cảnh báo rằng chừng nào chưa đạt đủ tỷ lệ số lượng người được tiêm phòng thì cần phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cuộc sống hàng ngày.

Do vậy, chắc chắn người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang FFP2 khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng và các khu vực trong nhà khác.

Theo ông Montgomery, trên bình diện quốc tế, các nước cần xem lại việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước mình và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng này nếu số lượng các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng, giống như chính phủ Anh đã thực hiện.

Về phần mình, chuyên gia y tế Đức Karl Lauterbach cũng cảnh báo biến thể Delta có thể sẽ là biến thế chính ở Đức trong mùa Thu tới vì nó dễ lây lan hơn nhiều so với các biến thể khác.

Ông hy vọng rằng biến thể này sẽ không trở thành vấn đề lớn đối với trẻ em chưa được tiêm chủng. Đối với những người đã được tiêm chủng, biến thể này không gây ra nhiều nguy cơ lớn.

Tỷ lệ biến thể Delta gần đây tại Đức đã tăng lên đáng kể, mặc dù vẫn ở mức thấp. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ nhiễm biến thể này là 6,2% trong tuần từ 31/5 đến 6/6, trong khi tuần trước đó, tỷ lên này là 3,7%.

Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun khuyến cáo người hâm mộ bóng đá Đức không nên đến London (Anh) để xem các trận bán kết và chung kết EURO 2020 để tránh lây lan dịch bệnh.

Ông Braun cho biết từ tháng 5, Chính phủ Đức đã xếp Vương quốc Anh vào danh sách khu vực biến thể mới của virus. Do đó, người hâm mộ bóng đá nếu đến dự khán các trận đấu tại London, khi trở về Đức sẽ phải cách ly hai tuần./.

Nguồn: Vietnam+

Bài liên quan