Liên Hiệp Quốc, Anh chỉ trích Myanmar vì kết án tù bà Aung San Suu Kyi

Liên Hiệp Quốc và Anh chỉ trích chính quyền quân sự Myanmar vì kết án 4 năm tù đối với bà Aung San Suu Kyi - cố vấn của chính quyền dân sự Myanmar bị lật đổ hồi tháng 2 vừa qua, và kêu gọi trả tự do cho bà.

1 Lien Hiep Quoc Anh Chi Trich Myanmar Vi Ket An Tu Ba Aung San Suu Kyi

Bà Aung San Suu Kyi - cố vấn của chính quyền dân sự Myanmar bị lật đổ hồi tháng 2-2021 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, ngày 6-12, bà Michelle Bachelet - cao ủy Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền - cho rằng chính quyền quân sự Myanmar "có động cơ chính trị" khi kết án bà Suu Kyi, đồng thời yêu cầu trả tự do cho bà.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho rằng bản án của bà Suu Kyi là "một nỗ lực nữa của chính quyền quân sự Myanmar nhằm bóp nghẹt phe đối lập".

"Vương quốc Anh kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar trả tự do cho các tù nhân chính trị, tham gia đối thoại", bà Truss cho biết thêm.

Theo ngoại trưởng Anh, việc Myanmar bắt giam các chính trị gia do dân bầu "chỉ có nguy cơ gây thêm bất ổn".

Trước đó, cùng ngày, bà Suu Kyi bị kết án 4 năm tù vì "kích động bất đồng chính kiến chống lại quân đội", và vi phạm các quy định phòng dịch.

Ông Win Myint, người từng giữ chức tổng thống trong chính quyền dân sự bị lật đổ hồi tháng 2 vừa qua, cũng bị bỏ tù 4 năm với tội danh tương tự.

Phát ngôn viên quân đội Myanmar - ông Zaw Min Tun cho biết hai nhà lãnh đạo bị phế truất nói trên chưa thụ án ngay lập tức, vì còn phải đối mặt với các bản án khác, song không nói rõ chi tiết.

Bà Suu Kyi, 76 tuổi, bị quản thúc tại gia từ sau khi quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính ngày 1-2-2021. Theo AFP, bà Suu Kyi sẽ phải đối mặt với hàng chục năm tù nếu bị kết án với mọi tội danh.

Các nhà báo bị cấm tham gia phiên tòa đặc biệt tổ chức hôm nay 6-12 ở thủ đô Naypyidaw. Các luật sư của bà Suu Kyi cũng bị cấm nói chuyện với giới truyền thông.

Cuộc chính biến của quân đội đánh dấu sự kết thúc giai đoạn dân chủ ngắn ngủi của Myanmar, theo AFP.

Chính quyền quân sự Myanmar đã truy tố các lãnh đạo dân sự một loạt tội danh, trong đó có tham nhũng và gian lận bầu cử.

Chính quyền quân sự tuyên bố hành động của họ là cần thiết để bảo vệ nền dân chủ Myanmar và cam kết sẽ tổ chức lại tổng tuyển cử vào thời điểm thích hợp.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan