Liên minh ứng phó Trung Quốc đang hình thành

Nhật Bản và Anh hôm 3-2 thống nhất tăng cường quan hệ an ninh, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở giữa lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng.  

Tại hội nghị 2+2 đầu tiên giữa 2 nước kể từ tháng 12-2017, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đã nhất trí với 2 người đồng cấp phía Anh, lần lượt là ông Dominic Raab và ông Ben Wallace, rằng Tokyo và London là đối tác an ninh thân thiết nhất ở châu Á và châu Âu với các giá trị và lợi ích chiến lược chung.

Đối với sự ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông lẫn biển Hoa Đông, Bộ trưởng Motegi cho biết ông cùng 2 bộ trưởng Anh "chia sẻ những nỗi lo sâu sắc" về tình hình, đồng thời "nhất trí phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng các khu vực tranh chấp bằng vũ lực".

Nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự hàng hải tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế, 4 vị bộ trưởng còn thể hiện sự quan ngại đối với Luật Hải cảnh mà Trung Quốc mới thông qua, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài.

132 1 Lien Minh Ung Pho Trung Quoc Dang Hinh Thanh

HMS Queen Elizabeth, tàu sân bay lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, dự kiến đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay Ảnh: PA

Trước mắt, để thực hiện cam kết duy trì an ninh cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Anh sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung trong quãng thời gian nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được triển khai đến châu Á, sớm nhất vào mùa Xuân năm nay. "HMS Queen Elizabeth sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc, cả về chính trị lẫn quân sự" - chuyên gia Michito Tsuruoka của Trường ĐH Keio (Nhật Bản) đánh giá.

Hợp tác đối phó Trung Quốc cũng là vấn đề được Tổng thống Mỹ Joe Biden bàn bạc trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Úc Scott Morrison kể từ khi ông Biden lên nắm quyền. Sức mạnh của quan hệ đồng minh Mỹ - Úc "vẫn là yếu tố quan trọng đối với sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung" - Nhà Trắng tuyên bố hôm 4-2.

Cùng với quyết định điều động nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Nimitz từ Trung Đông sang Thái Bình Dương, theo các nhà quan sát Ấn Độ, cuộc điện đàm trên cho thấy chính quyền Tổng thống Biden có thể tăng cường hiện diện quân sự quanh biển Đông để trấn an các nước đồng minh và đối tác.

Cũng trong ngày 4-2, người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, ông Joe Keiley, thông báo tàu khu trục USS John S. McCain đã thực hiện hành trình qua eo biển Đài Loan đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức. Cũng theo ông Keiley, đây là hành trình theo lệ thường và tuân thủ luật pháp quốc tế, "thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Cao Lực

Nguồn: nld.com.vn

Bài liên quan