Thủ tướng Anh Theresa May vừa thực hiện chuyến công du Trung Đông lần thứ hai trong năm 2017 tới 3 nước Iraq, Saudi Arabia và Jordan. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo xứ Sương mù một lần nữa khẳng định vai trò của nước Anh tại khu vực nhiều tiềm năng nhưng cũng lắm biến động, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác mới cho nước Anh thời kỳ hậu Brexit.
Thủ tướng Anh T.May trong chuyến thăm Iraq. Khác với chuyến đi lần thứ nhất tới Trung Đông hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng T.May đã chọn Iraq là điểm dừng chân đầu tiên trong bối cảnh quốc gia vùng Vịnh đã có những chiến thắng quan trọng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đang trong công cuộc tái thiết đất nước thời kỳ hậu xung đột. Động thái này nhằm phát đi tín hiệu rằng, Anh không chỉ là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra các khoản hỗ trợ tài chính giúp Iraq tái thiết đất nước, mà còn là đối tác hợp tác dài hạn với nước này trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Iraq Haider Al-Abadi, Thủ tướng T.May đã cam kết hỗ trợ Iraq 20 triệu bảng (tương đương 26,8 triệu USD) cho các hoạt động nhân quyền và 30 triệu bảng cho các chương trình cải cách. Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, Anh đã đồng ý cho Iraq vay 10 tỷ bảng để đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, nhằm khôi phục hệ thống điện, nước, trường học, y tế… từng bị phá hủy bởi IS.
Tại điểm dừng chân Saudi Arabia, quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng trong khu vực và cũng là nước khởi xướng cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh với Qatar trong thời gian vừa qua, nữ chủ nhân nhà số 10 phố Downing đã bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen, đồng thời từ chối dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Saudi Arabia. Thông điệp của London với Riyadh là, sau khi rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), nước Anh quyết tâm tạo ra một tương lai táo bạo, tự tin bằng việc gia tăng vai trò tại nhiều khu vực trên thế giới. Anh cũng sẵn sàng nhìn thẳng vào những thách thức mà thế hệ tương lai phải đối mặt, đồng thời xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các quốc gia có vai trò thiết yếu đối với an ninh của đảo quốc Sương mù.
Điểm nhấn trong chuyến công du 3 ngày của Thủ tướng T.May là bài phát biểu trước nội các Jordan, bao gồm cả người đồng nhiệm Hani al-Mulki về cuộc chiến chống IS. Hiện tại, Jordan đang đứng trước nguy cơ trở thành căn cứ địa mới của đội quân cờ đen sau khi bị đánh đuổi khỏi Iraq và Syria.
Việc giúp đỡ Jordan, cũng như nhiều quốc gia Trung Đông khác trong mục tiêu chống khủng bố cũng là một trọng tâm trong chiến lược an ninh của Anh. Thời gian qua, nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan từ Trung Đông và Châu Phi đã thâm nhập vào xứ Sương mù qua dòng người di cư bất hợp pháp. Mới đây, cơ quan tình báo Anh đã xác định 23.000 phần tử cực đoan thánh chiến đang sinh sống tại nước này nằm trong diện có thể thực hiện các vụ tấn công khủng bố.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng T.May đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng Anh với không quân Hoàng gia Jordan, trong đó có việc triển khai sĩ quan huấn luyện của quân đội Anh để giúp không quân Jordan đối phó với các tay súng IS. Bên cạnh đó, Anh cũng sẽ đưa ra những biện pháp giúp Jordan ứng phó với dòng người tị nạn từ quốc gia láng giềng Syria.
Chuyến công du của nữ Thủ tướng T.May tới Trung Đông diễn ra trong bối cảnh Anh đang tìm kiếm các mối quan hệ mới trên thế giới, thay thế các nước mà Anh có thể mất đi sau khi rời EU. Việc tham gia sâu hơn vào hợp tác tại vùng Vịnh sẽ giúp xứ Sương mù có thể điều phối các mối quan hệ nhằm hoạt động hiệu quả hơn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nước Anh.
Nguồn: hanoimoi.com