Ngày 4/3, Mỹ và Anh đã nhất trí về việc ngừng áp thuế trả đũa của Washington nhằm vào hàng hóa Anh, như rượu whisky của Scotland, trong vòng 4 tháng.
Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Long Beach ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Việc áp thuế này liên quan tới tranh cãi kéo dài giữa Mỹ và châu Âu về trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus.
Thông báo chung của hai nước nêu rõ: “Vương quốc Anh và Mỹ đang nhất trí ngừng áp thuế trong 4 tháng để giảm gánh nặng với ngành công nghiệp và thực hiện bước đi chung mạnh mẽ hướng tới việc giải quyết tranh cãi dai dẳng nhất tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.
Thông báo cho biết việc ngừng áp thuế tạm thời này sẽ cho phép hai nước có thời gian tập trung đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp một cách cân bằng. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoan nghênh thỏa thuận mới trên, cho rằng, thỏa thuận sẽ “thúc đẩy quan hệ thương mại Anh-Mỹ và hợp tác để xây dựng trở lại tốt hơn từ đại dịch”.
Chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã áp thuế đối với 7,5 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU, trong đó có rượu whisky của Scotland. Đáp lại, EU đã áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 4 tỉ USD.
Hai bên áp thuế trả đũa lẫn nhau do bất đồng kéo dài 16 năm qua liên quan tới trợ cấp của các chính phủ hai bên đối với các hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus và đối thủ Boeing (Mỹ). Khi đó, Anh vẫn là nước thành viên EU.
Tháng 12/2020, Anh thông báo sẽ dùng quyền tự do mới của mình sau khi rời EU để rút khỏi chính sách thương mại chung của khối đối với Mỹ, quyết định đơn phương ngừng áp thuế với hy vọng tìm ra giải pháp cho tranh cãi này.
Phản ứng trước quyết định mới của Mỹ và Anh, người phát ngôn hãng Airbus Clay McConnell đã hoan nghênh việc ngừng áp thuế mà ông gọi là “thuế cùng thua”, đồng thời cho biết hãng ủng hộ mọi nỗ lực đạt được thỏa thuận này.
Về phần mình, đại diện hãng Boeing cũng cho rằng thỏa thuận mới sẽ giúp ngành sản xuất máy bay hướng tới sân chơi bình đẳng trên toàn cầu trong ngành hàng không. Trong khi đó, đại diện hãng rượu whisky Diageo, chủ sở hữu các thương hiệu Johnnie Walker và Talisker thì hi vọng sẽ có một giải pháp lâu dài giúp bảo đảm hàng nghìn việc làm ở Scotland cũng như trên toàn nước Anh.
Nguồn: Baotintuc