Mỹ, Anh và Pháp đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc lực lượng an ninh Myanmar dùng đạn thật để trấn áp biểu tình tại thành phố Mandalay hôm 20-2.
Một người đàn ông trong cuộc biểu tình ngày 20-2 tại thành phố Mandalay, Myanmar, được đưa đi cấp cứu - Ảnh: REUTERS
Hai người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương vào ngày 20-2 tại thành phố Mandalay khi cảnh sát và các binh sĩ Myanmar bắn về phía người biểu tình, Hãng tin Reuters dẫn lời nhân viên cấp cứu.
Đó là ngày biểu tình đẫm máu nhất trong hơn 2 tuần biểu tình nổ ra tại Myanmar, sau khi quân đội nước này giành quyền kiểm soát và bắt giam các quan chức chính quyền dân sự, trong đó có nữ cố vấn cấp cao Aung San Suu Kyi.
Phía quân đội tuyên bố thực hiện việc giành lại kiểm soát hôm 1-2 vì nghi vấn cuộc bầu cử gần nhất có gian lận. Trong khi đó, phương Tây nhìn nhận sự việc này như một cuộc đảo chính.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 21-2 tuyên bố nước này “quan ngại sâu sắc” trước thông tin về việc lực lượng an ninh Myanmar bắn và tiếp tục đàn áp người biểu tình. “Chúng tôi đứng về phía người dân Myanmar”, ông Price viết trên Twitter.
Tương tự, Anh cũng tuyên bố sẽ cân nhắc các biện pháp mới nhắm đến các đối tượng sử dụng bạo lực đối với người biểu tình, trong khi Bộ Ngoại giao Pháp chỉ trích tình hình bạo lực tại Myanmar là “không thể chấp nhận được”.
“Việc bắn vào người biểu tình ôn hòa tại Myanmar là không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ cân nhắc các biện pháp mới để chống lại các đối tượng phá hoại nền dân chủ và bóp nghẹt quan điểm bất đồng”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab viết trên Twitter.
Theo Reuters, người biểu tình đã xuống đường tại nhiều thành phố và thị trấn trên khắp Myanmar, đòi quân đội trao trả lại quyền lực và thả bà Suu Kyi.
Căng thẳng đã leo thang nhanh chóng tại Mandalay khi lực lượng an ninh đụng độ với các công nhân xưởng đóng tàu và những người biểu tình khác.
Một số người biểu tình đã bắn ná cao su vào cảnh sát. Nhiều nhân chứng của Reuters cho biết phía an ninh dùng hơi cay và súng để đáp trả. Họ nói nhìn thấy cả hộp đạn và vỏ đạn thật lẫn đạn cao su trên nền đất.
Mỹ, Anh, Canada và New Zealand đều đã công bố một số lệnh trừng phạt giới hạn kể từ sau vụ việc ngày 1-2, chủ yếu nhắm vào các lãnh đạo quân đội Myanmar.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online