Năm 2018 sẽ là năm mà Vương quốc Liên hiệp Anh thay đổi ý định rời Liên minh châu Âu (EU)?
Quan niệm cho rằng Brexit là không thể tránh khỏi có thể biến mất bởi những thay đổi gần đây trong đời sống chính trị nội bộ của cả chính phủ của đảng Bảo thủ lẫn Công đảng đối lập.
Những ý kiến hiểu biết cho rằng việc ngừng tiến trình Anh rời khỏi EU, còn gọi là vấn đề Brexit, là không thể. Nhưng họ đã nói gì về hiện tượng Donald Trump hoặc Emmanuel Macron? Hoặc thậm chí về cuộc trưng cầu ý dân về Brexit lúc đầu? Trong thời kỳ cách mạng, những sự kiện có thể biến từ không thể thành điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Brexit là một sự kiện như vậy, và việc đảo ngược nó có thể là một sự kiện khác. Nigel Farage, cựu lãnh đạo đảng Độc lập Anh, cho rằng có thể lật ngược cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016. Mới đây, ông đã cảnh báo những người ủng hộ mạnh mẽ Brexit rằng “phe còn lại đang dẫn đầu cuộc đua… Họ chiếm đa số trong Quốc hội, và nếu bản thân chúng ta không chuẩn bị, chúng ta có thể sẽ mất đi chiến thắng lịch sử Brexit”.
Brexit – một kết quả ngẫu nhiên
Trang mạng Poject Syndicate so sánh, việc bỏ phiếu cho Brexit và hay tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thường được mô tả như một kết quả không thể tránh khỏi của các yếu tố kinh tế – xã hội như sự bất bình đẳng hay toàn cầu hóa. Trong một số trường hợp, sự so sánh này là đúng. Những biến động tạm gọi là các cuộc chính biến đã được dự đoán sẽ xảy ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, như ông Farage – cựu thủ lĩnh Đảng Độc lập Anh (UKIP) từng bình luận nhiều năm trước. Tuy nhiên, không hề có cái gọi là điều không thể tránh khỏi với những biến động đã xảy ra. Brexit, cũng như sự lựa chọn tỷ phú Trump, là một kết quả ngẫu nhiên của một vài lo ngại trong giới cử tri. Nếu chỉ có 1,8% người Anh bỏ phiếu khác đi thì Brexit giờ đây sẽ chỉ là một lời nói đùa bị quên lãng. Hay nếu số phiếu phổ thông trong số 3 triệu phiếu ủng hộ Hillary Clinton được phân bổ hơi khác đi giữa các bang của Mỹ, thì cụm từ “Tổng thống Trump” giờ đây sẽ trở thành nực cười như hồi tháng 1/2016.
Để ngăn chặn Brexit trong năm nay, cần phải có 4 sự thay đổi tương đối trong cách hành động. Ý kiến công chúng phải thay đổi để chống lại quyết định Brexit, vốn được coi là “nhận thức sai lầm”. Các chính trị gia từng ghét Brexit phải công khai lên tiếng. Sự phản đối với lập luận chặt chẽ trước các chính sách của chính phủ phải được công nhận như một dấu hiệu của nền dân chủ chứ không phải như một hành động phản bội. Và cảm nhận Brexit là điều không thể tránh khỏi phải được xua tan. Những yêu cầu này phụ thuộc lẫn nhau. Các chính trị gia sẽ chỉ lên tiếng nếu họ cảm thấy ý kiến công chúng thay đổi; nhưng công chúng sẽ chỉ đổi ý khi có sự lãnh đạo chính trị đáng tin cậy. Dư luận lo ngại các chính khách sẽ im lặng nếu tất cả các ý kiến đối lập được quy là phản dân chủ. Và nếu Brexit xem ra là điều không thể tránh khỏi, tại sao phải phiền cử tri suy nghĩ lại?
Sự hoài nghi mơ hồ
Ý thức về điều không thể tránh khỏi, thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận và các nhóm được khảo sát, là trở ngại lớn nhất để đảo ngược tiến trình Brexit. Khoảng 30% số cử tri Anh chống đối EU một cách mạnh mẽ, nói rằng họ sẽ luôn ủng hộ việc (Anh) rời khỏi EU mà không quan tâm đến cái giá phải trả về kinh tế.
Tuy nhiên, những người hoài nghi châu Âu này sẽ không bao giờ giành được đa số nếu không có khoảng 20% số cử tri có quan tâm đôi chút đến châu Âu song lại coi cuộc trưng cầu ý dân như một cuộc bỏ phiếu chống đối. Giờ đây, nhiều người trong số những cử tri này đang lo sợ rằng Brexit đã làm sao lãng sự chú ý khỏi những mối bận tâm của họ về y tế, sự bất bình đẳng, lương thấp, nhà ở và các vấn đề khác. Tuy vậy, cũng vì lý do này mà họ muốn việc rời khỏi EU (điều không thể tránh khỏi) xảy ra càng nhanh càng tốt, để nước Anh có thể bắt tay lại vào những việc cần làm như mọi khi.
Hiện giờ, giả sử các cử tri trên bắt đầu tin rằng Brexit có thể không bao giờ xảy ra. Họ sẽ yêu cầu các chính trị gia “nên chấm dứt nói mãi về châu Âu” và bắt đầu giải quyết những mối quan tâm thực sự của người dân.
Quan niệm cho rằng Brexit là không thể tránh khỏi có thể biến mất bởi những thay đổi gần đây trong đời sống chính trị nội bộ của cả chính phủ của đảng Bảo thủ lẫn Công đảng đối lập. Công đảng đã bắt đầu nhận ra rằng chỉ có thể trở lại nắm quyền bằng cách phản đối Brexit. Những phân tích chi tiết về các kết quả cuộc bầu cử năm 2017 cho thấy những chiến thắng của Công đảng phần lớn là nhờ vào các cử tri trẻ, những người hy vọng vào sự trật bánh của con tàu Brexit. Nếu không có những cử tri chống Brexit này, Thủ tướng Theresa May có thể đã giành chiến thắng áp đảo như nhiều người dự báo.
Nếu Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng, trở thành “đầy tớ của Brexit” (như cách nói của ông Tony Blair) bằng cách tránh xa sự phản đối của phe đối lập có sức ảnh hưởng, những cử tri mới này sẽ cảm thấy bị phản bội, Công đảng sẽ bị chia rẽ giữa những người theo chủ nghĩa Marx và những người ôn hòa, và hy vọng của họ về chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử sẽ tiêu tan.
Mặt khác, nếu Công đảng quyết định chống Brexit, ý kiến công chúng sẽ nhanh chóng thay đổi. Công đảng sẽ bắt đầu hưởng lợi từ những sai lầm của chính phủ trong đàm phán. Và quan niệm Brexit chắc chắc xảy ra sẽ biến mất. Điều đó sẽ khích lệ những người Bảo thủ có tư tưởng thân châu Âu.
Các nghị sĩ đảng Bảo thủ không thể bỏ phiếu chống lại sự lãnh đạo của đảng nếu sự vắng mặt của Công đảng đối lập cho phép chính phủ giành thắng lợi. Tuy nhiên, nếu sự phản đối quyết liệt của Công đảng tạo ra một cơ hội thực sự để ngăn chặn Brexit, các nghị sĩ đảng Bảo thủ, những người đặt lợi ích quốc gia lên trên lòng trung thành với đảng, sẽ thấy họ được khen ngợi vì sự dũng cảm chứ không phải bị chế nhạo vì hành động điên rồ. Họ thậm chí có thể tính toán rằng sự nghiệp của họ sẽ tiến triển nếu đảng của họ hòa giải với châu Âu.
Chuỗi sự kiện đang bắt đầu
Tháng 12 vừa qua, bà May đã thất bại trong trận chiến Brexit quan trọng đầu tiên của mình, khi các nghị sĩ Công đảng liên minh với 12 thành viên “nổi dậy” trong đảng Bảo thủ thông qua một điều khoản sửa đổi yêu cầu có một Đạo luật riêng của Quốc hội để thông qua bất cứ thỏa thuận nào được đàm phán với EU. Điều này có nghĩa là bất cứ kế hoạch Brexit nào gây ra sự phản đối mạnh mẽ, hoặc từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn hoặc từ những nghị sĩ đảng Bảo thủ có tư tưởng thân châu Âu, cũng có thể được sử dụng để kích hoạt một cuộc trưng cầu ý dân mới.
Sau bước đột phá này, chiến dịch “liên đảng” quan trọng đầu tiên rõ ràng nhằm mục đích ngăn chặn Brexit, và không chỉ nhằm giảm bớt thiệt hại bằng cách tìm kiếm một thỏa thuận ly hôn “mềm dẻo hơn”, sẽ được đưa ra vào cuối tháng này.
Để thành công, chiến dịch này sẽ cần thuyết phục những người vỡ mộng còn lại rằng Brexit không phải là không thể tránh được. Nó sẽ phải cho các cử tri chống đối thấy rằng dù những vấn đề của họ là gì thì Brexit cũng không phải là câu trả lời. Chiến dịch này sẽ cần thuyết phục các chính khách Công đảng rằng việc ủng hộ Brexit là hành động “tự sát trong bầu cử”, và thuyết phục những nhân vật “nổi dậy” trong đảng Bảo thủ thân EU rằng một cuộc nổi dậy sẽ không vô ích. Cuối cùng, sẽ cần các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố dứt khoát rằng nước Anh có quyền thay đổi ý kiến về việc rời khỏi EU. Những yêu cầu này là thách thức lớn nhưng không phải là không thể.
David Davis, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh từng nói rằng, “nếu một nền dân chủ không thể thay đổi ý kiến thì nó không còn là một nền dân chủ nữa”. Nước Anh vẫn là một nền dân chủ, và nó vẫn có thể thay đổi ý kiến về Brexit.
Nguồn: xaluan.com
London SW6 3JW