Hội chợ sách quốc tế London Book Fair 2018, một trong những sự kiện lớn nhất thế giới trong lĩnh vực xuất bản được tổ chức trong 3 ngày từ 10 đến 12-4.
Là cơ hội để đại diện hàng trăm nhà xuất bản đến từ hơn 135 quốc gia và vùng lãnh thổ gặp gỡ đàm phán về bản quyền xuất bản, phát hành và phân phối nội dung trên các nền tảng sách in truyền thống, sách nói (audio), truyền hình, phim và các kênh kỹ thuật số.
Nhân dịp này, đại diện Hiệp hội các nhà xuất bản Anh (PA) đã gửi thư kiến nghị lên chính phủ, khẳng định “xuất bản là một phần làm nên giá trị và lịch sử của nước Anh”.
Theo tờ The Gardian, PA kêu gọi chính phủ nước này cần có những chính sách nhằm bảo đảm vị thế “nhà xuất bản của thế giới” của xứ sở sương mù, đặc biệt trong bối cảnh chỉ chưa đầy 1 năm nữa Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Bên cạnh thư kiến nghị, PA cũng đưa ra bản chiến lược gồm 10 bước phát triển ngành xuất bản sau Brexit.
Ông Stephen Lotinga, Giám đốc điều hành của PA, nói rằng Anh đã là "nhà xuất bản thế giới" trong hơn 300 năm, và các nguyên tắc giúp họ có cơ hội phát triển nhanh chóng trong việc tiếp cận các tài năng và ý tưởng toàn cầu bởi một hệ thống vững mạnh về quyền sở hữu trí tuệ, tự do ngôn luận và tự do xuất bản.
PA cảnh báo rằng Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ có "cách tiếp cận khác" đối với luật sở hữu trí tuệ so với Vương quốc Anh (bao gồm vấn đề bản quyền) cùng với các hành động độc lập về các chủ đề như tự do ngôn luận, bảo vệ dữ liệu và thương mại số. Tất cả sự khác biệt có thể được các nhà đàm phán thương mại nước ngoài coi là "con chip thương lượng" tại các cuộc thảo luận thương mại trong tương lai.
Hội chợ sách quốc tế London Book Fair 2018.
Vì lẽ đó, PA yêu cầu chính phủ phải kiên định, không thỏa hiệp trong việc hỗ trợ và cải thiện nguyên tắc vàng trong khung bản quyền của Vương quốc Anh hậu Brexit cùng với đảm bảo kiểm soát chất lượng thông qua nội quy khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Tối đa hóa khả năng xuất khẩu của các nhà xuất bản đến mọi thị trường và dẫn đầu về thực thi các quyền đưa dữ liệu vượt ra khỏi biên giới. PA nhấn mạnh cam kết được tự do ngôn luận và quyền tự do xuất bản là điều quan trọng để đảm bảo sự thành công liên tục của ngành xuất bản sau Brexit.
PA cũng muốn mức thuế VAT 0% áp dụng cho xuất bản điện tử (sách điện tử có thuế VAT 20%, trong khi sách in 0%), dựa trên nguyên tắc thị trường trực tuyến công bằng.
Từ Jane Eyre đến Harry Potter, từ Nguồn gốc các loài đến Lược sử thời gian… các tác phẩm được xuất bản ở Anh giúp hình thành bản sắc dân tộc của người Anh thông qua các tác phẩm kinh điển.
Ngành xuất bản Anh hiện đóng góp khoảng 7,8 tỷ bảng cho nền kinh tế nước này và tạo ra hơn 70.000 việc làm. Hiệp hội các nhà xuất bản Anh cho rằng Brexit là cơ hội để ngành xuất bản nước Anh mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Thư kiến nghị cũng nhấn mạnh thành công của ngành xuất bản không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với các tác giả, độc giả và các nhà xuất bản Anh, mà còn bao gồm cả ảnh hưởng toàn cầu của nước Anh sau Brexit.
Xuất bản là ngành không thể tách rời khỏi lịch sử nước Anh và các giá trị của vương quốc này. Đưa ra thư kiến nghị cùng bản chiến lược phát triển chi tiết, PA muốn đảm bảo ngành xuất bản trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tương lai.
Theo Sài Gòn Đầu Tư