Đã 21 năm trôi qua, người dân Anh nói riêng và Thế giới nói chung vẫn chưa bao giờ nguôi nhớ đến vị “Công chúa của nhân dân” và di sản vô giá mà bà để lại cho nhân loại.
Công nương Diana là người nổi tiếng với gia tài từ thiện đồ sộ của mình. Cho đến nay, những cống hiến không biết mệt mỏi của cố Công nương đối với cộng đồng vẫn luôn được người dân trên toàn thế giới trân trọng và khắc ghi. Nhân kỷ niệm 20 năm kể từ khi Công nương Diana qua đời, vào năm 2017, tạp chí Attitude đã trao tặng giải thưởng “Di sản kế thừa” dành cho bà như 1 hành động tôn vinh và tưởng nhớ.
Hoàng tử Harry đã được mời tới lễ trao giải để thay mặt mẹ nhận vinh dự này. Tại đây, anh đã có 1 bài phát biểu rất xúc động về mẹ mình.
Nguyên văn bài phát biểu của Hoàng tử Harry
Vào tháng 4 năm 1987, mẹ tôi mới 25 tuổi. Khi ấy, dù vẫn đang tìm lối đi cho mình trước công chúng, nhưng bà đã cảm nhận được trách nhiệm cần phải quan tâm tới những con người và vấn đề thường hay bị thờ ơ. Bà biết rằng AIDS là một trong những điều người ta thường phớt lờ và xem như một thách thức vô vọng. Bà thấu hiểu rằng những hiểu lầm về căn bệnh này khi kết hợp với sự kỳ thị người đồng tính sẽ tạo nên một cục diện vô cùng nguy hiểm.
Những bệnh nhân AIDS bị chối bỏ bởi cộng đồng, và đôi khi bởi chính gia đình họ, chỉ vì họ đang ốm. Ngay cả những người chăm sóc bệnh nhân AIDS cũng bị quay lưng khi tới các địa điểm công cộng và nhà hàng, cho dù HIV đã được chứng minh sẽ không lây nhiễm qua những tiếp xúc thông thường. Và chúng ta phải đối mặt với thực trạng hàng nghìn người Anh quốc sẽ qua đời, trong đó bao gồm rất nhiều người đồng tính, mà không nhận được bất kỳ sự chữa trị nào.
Chính bởi vậy, vào tháng 4 năm ấy, bà quyết định bắt tay với một người đàn ông 32 tuổi nhiễm HIV, trước mọi ống kính máy quay. Bà biết rất rõ điều mình đang làm! Bà đang dùng cương vị của mình – Công chúa xứ Wales, một người phụ nữ nổi tiếng thế giới, để thách thức, để giáo dục mọi người cũng như để tìm kiếm lòng trắc ẩn và vươn tay ra giúp đỡ những người cần được giúp, thay vì đẩy họ ra xa.
Sau cái bắt tay nổi tiếng ấy, bà vẫn tiếp tục những công việc của mình, cả trên danh nghĩa tập thể lẫn cá nhân. Khi bà ghé thăm bệnh viện Mildmay và trung tâm London Litghthouse, bà muốn cả thế giới lắng nghe câu chuyện của những người đang phải đối mặt với cái chết. Bà muốn mọi người phải có hành động trước những phương pháp chữa trị có thể cứu sống mạng người. Bà muốn thấu hiểu những con người đang chống chọi với tử thần, không phải với tư cách bệnh nhân, mà với tư cách giữa người với người.
Chỉ 1 năm trước khi mẹ tôi mất, phương thuốc điều trị HIV/AIDS đầu tiên có tác dụng đã được tìm ra. Thật tiếc là bà không còn sống để chứng kiến cảnh phương thuốc được phổ biến rộng rãi và cứu sống vô số mạng người tại nước Anh và trên thế giới.
Tôi vẫn thường tự hỏi mẹ mình sẽ làm những gì để tiếp tục cuộc chiến chống lại HIV/AIDS nếu bà vẫn còn ở đây với chúng ta ngày hôm nay.
Tôi tin bà sẽ nói không chỉ riêng với những người mắc bệnh mà còn với tất cả mọi người trong cộng đồng rằng, phương thuốc chữa trị hữu hiệu đang có mặt miễn phí trên khắp nước Anh, việc chúng ta cần làm là thực hiện những xét nghiệm định kỳ, vì bản thân và vì những người chúng ta yêu thương.
Mẹ tôi cũng luôn mong muốn những người dân Châu Phi và các nước khác trên thế giới có được sự quan tâm và chữa trị tương tự. Và bà tất nhiên sẽ mãi ủng hộ và đứng về phía những người nhiễm HIV đang sống một cách cởi mở, vui vẻ và khỏe mạnh.
William và tôi đều vô cùng tự hào về những điều mẹ mình đã làm. Và chúng tôi muốn cảm ơn các bạn vì đã trao tặng bà ấy giải thưởng này!
Di sản còn mãi với thời gian
Lúc còn sinh thời, Công nương Diana là người bảo trợ cho khoảng 100 tổ chức từ thiện, trong đó có tổ chức Chữ thập đỏ, mạng lưới những người sống sót trong bom mìn cũng như rất nhiều quỹ chống AIDS và ung thư.
Đặc biệt trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, cố Công nương giữ vai trò quan trọng và tạo nên nhiều bước tiến lớn đi vào lịch sử thế giới.
Tại nước Anh, cùng với tổ chức London Lighthouse, Công nương Diana là người đi tiên phong trong công cuộc chống lại căn bệnh thế kỷ này. Bà cũng đã từng đến Nam Phi để cùng với Tổng Thống Nelson Mandela kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng thế giới trong các chương trình phòng ngừa HIV dành cho các nước Nam Phi, nơi có hơn 2 triệu người bị nhiễm bệnh vào thời kỳ đó.
Bức ảnh chụp Công nương Diana cầm tay một người đàn ông là bệnh nhân AIDS vào năm 1987 đã khiến cả thế giới cảm thấy sốc. Hình ảnh này đã gây xôn xao dư luận một thời và cho đến nay người ta vẫn đưa bức hình này làm bằng chứng sống động trong những chiến dịch tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Chính bà là người đã góp phần cải thiện tình trạng phân biệt đối xử của mọi người đối với căn bệnh này.
Công nương từng nói: “HIV không hề khiến bạn gặp nguy hiểm khi tìm hiểu về nó. Chính vì thế mà bạn có thể bắt tay, có thể ôm hôn những con người xấu số mắc căn bệnh này. Họ cần những hành động tình cảm như thế!”
Vào ngày 31/8/1997, nước Anh đột ngột phải oằn mình hứng chịu một cú sốc lớn: Công nương Diana mãi mãi ra đi sau một tai nạn giao thông thảm khốc.
Di sản ấy không chỉ là những thành tựu nhân ái trên quãng đường từ thiện không ngừng nghỉ của bà, mà nó còn là sự giáo dục và ảnh hưởng đến các con – 2 vị Hoàng tử trẻ tuổi của nước Anh. Giờ đây, họ đang tiếp bước mẹ mình trên con đường soi sáng những mảnh đời bất hạnh trên thế giới. Và quả thật, di sản chỉ sống mãi, khi nó được tiếp nối!
Nguồn: http://kenh14.vn