Các nghị sĩ Anh một lần nữa đã bác bỏ thỏa thuận Brexit sửa đổi của Thủ tướng May vào hôm thứ Ba (12/3), đẩy Vương quốc Anh vào khủng hoảng và buộc Nghị viện phải đưa ra quyết định trong vòng vài ngày tới rằng “ly hôn” EU mà không cần thỏa thuận hay tìm cách lùi thời hạn rời khỏi liên minh này, theo Reuters.
Các nghị sĩ đã biểu quyết chống lại thỏa thuận Brexit mới của bà May với tỉ lệ 391-242, phủ nhận kết quả của cuộc đàm phán vào phút cuối của bà với các nhà lãnh đạo EU hôm thứ Hai (11/3).
Kết quả bỏ phiếu này đẩy nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào một tình huống rất khó khi không có con đường rõ ràng nào để tiến về phía trước. Rời EU mà không có thỏa thuận, lùi hạn cuối Brexit, hay thậm chí là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác sẽ là những lựa chọn của xứ xở sương mù trong thời gian tới.
Các nghị sĩ vào lúc 19:00 (GMT) hôm thứ Tư sẽ biểu quyết về việc Anh có nên rời khỏi khối thương mại lớn nhất thế giới mà không có thỏa thuận nào hay không. Nếu Brexit không có thỏa thuận, sẽ là một tình huống mà các lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo rằng rất có thể gây ra hỗn loạn cho các thị trường và chuỗi cung ứng, còn một số người khác dự đoán điều này có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.
Thủ tướng May nói rằng, như thường lệ, chính phủ của bà sẽ không định hướng việc bỏ phiếu đối với các nghị sĩ thuộc đảng của bà.
Một phát ngôn viên của đảng Lao động đối lập bình luận rằng phát biểu của bà May cho thấy “bà ấy đã không dùng sự giả dối để lãnh đạo đất nước”. Còn phát ngôn viên của bà May cho hay thủ tướng không nói về việc từ chức.
Thủ tướng May, bằng một giọng khàn khàn sau cuộc đàm phán vào đêm muộn hôm Thứ Hai, nói với các nghị sĩ: “Hãy để tôi nói rõ. Bỏ phiếu chống lại việc rời đi mà không có thỏa thuận và cho một phần mở rộng không giải quyết được các vấn đề chúng ta phải đối mặt”.
Nhận một kết quả bất lợi từ cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit đêm thứ Ba, chính phủ của bà May sắp tới sẽ có rất nhiều thách thức phải đối mặt. (Ảnh: Getty)
Bế tắc
Bà May nói rằng Nghị viện lúc này đang bế tắc vì không biết lựa chọn còn đường nào. “Có phải muốn hủy bỏ Điều 50 (thông báo ý định rời khỏi EU)? Hay muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai? Hoặc muốn rời đi với một thỏa thuận, nhưng không phải thỏa thuận này?”, bà May đặt ra các câu hỏi trước các nghị sĩ.
Graham Brady, một nghị sĩ bảo thủ có ảnh hưởng, nói rằng có hai tình huống có khả năng nhất, một là rời khỏi EU mà không có thỏa thuận hay trì hoãn Brexit vô thời hạn.
Còn ông Andrea Leadsom, người điều hành hoạt động của chính phủ tại quốc hội, nhấn mạnh việc Anh sẽ vẫn Brexit, “đó vẫn là ý định của chúng tôi, nếu có thể, sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3 với một thỏa thuận tốt”.
Trong khi đó EU nói rằng rủi ro về một Brexit không có thỏa thuận gây ra thiệt hại đã “gia tăng đáng kể”, nhưng sẽ không có thêm cuộc đàm phán nào với London về các điều khoản “ly hôn”.
Những người ủng hộ Brexit lập luận rằng, dù việc rời đi không có thỏa thuận có thể đưa tới một số bất ổn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó sẽ cho phép Vương quốc Anh phát triển và giúp thúc đẩy các thỏa thuận thương mại có lợi trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, Reuters dự đoán, nghị viện Anh rất có thể cũng sẽ phủ quyết lựa chọn Brexit không có thỏa thuận, vì thế vào ngày thứ Năm, các nghị sĩ sẽ biểu quyết về việc chính phủ có nên yêu cầu trì hoãn ngày rời khỏi EU và đàm phán thêm hay không.
Cả bà May và EU đều nói rằng, với hai năm rưỡi đàm phán phức tạp, sẽ không còn bất kì thay đổi nào nữa đối với thỏa thuận hiện tại.
Tương lai bất định
“Sẽ không có cơ hội cho lần [đàm phán] thứ ba”, Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố hôm thứ Hai. “Sẽ không có thêm sự giải thích nào về cách diễn đạt, không có sự đảm bảo nào nữa để trấn an nếu ‘cuộc bỏ phiếu đầy ý nghĩa’ ngày mai thất bại”.
Người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk, đại diện cho các chính phủ EU, nói rằng Anh sẽ phải đưa ra một “quyết định đáng tin cậy” cho bất kỳ yêu cầu trì hoãn Brexit.
Người dân Anh đã quyết định Brexit với tỷ lệ phiếu 52-48 phần trăm vào năm 2016, quyết định này không chỉ chia rẽ các đảng chính trị lớn mà còn phơi bày những rạn nứt sâu sắc trong xã hội Anh, khiến người ta lo ngại về vấn đề nhập cư và toàn cầu hóa.
Nhiều người lo ngại rằng sau Brexit hố ngăn cách giữa Anh và Châu Âu hình thành sẽ khiến quốc gia này trở nên suy yếu về kinh tế và an ninh trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang ngày bộc lộ rõ hơn tham vọng của họ.
Đặng Hoàng