Sự phẫn nộ của người dân đổ dồn về chính quyền Thủ tướng Boris Johnson, cho rằng xử lý kém cỏi khiến số ca tử vong do Covid-19 vượt 100.000.
Khi nCoV lần đầu tiên bùng phát ở Trung Quốc cuối năm 2019 và len lỏi vào nước Anh hồi tháng 3/2020, Thủ tướng Boris Johnson tự tin khẳng định dịch bệnh sẽ được giải quyết trong vài tuần.
Song, đến nay, số người tử vong do Covid-19 ở Anh đã gần chạm 100.000 - cao thứ 5 thế giới, nhiều hơn số dân thường Anh thương vong trong Thế chiến thứ hai (hơn 70.000) và gấp đôi số người thiệt mạng trong chiến dịch đánh bom Blitz. Số ca tử vong trung bình một ngày ở Anh là hơn 1.000 người trong tuần từ 18 đến 24/1.
Lễ tang bệnh nhân Covid-19 tại một nghĩa trang ở đông bắc London giữa lúc đại dịch càn quét nước Anh. Ảnh: Reuters.
Đằng sau những con số là buồn đau và thịnh nộ. Người cha 65 tuổi của Jamie Brown qua đời vào tháng 3/2020 do Coivd-19. Ông nhiễm nCoV trên chuyến tàu đến chỗ làm ở London. Vào thời điểm đó, chính phủ đang cân nhắc ban hành lệnh phong tỏa. Ông bị đau tức ngực, mất phương hướng, buồn nôn, được đưa đi cấp cứu, qua đời vì cơn đau tim chỉ 5 phút sau khi đến viện.
Brown cho biết cha anh chỉ còn một tháng nữa là nghỉ hưu. "Tôi cảm thấy sợ hãi và đau đớn khi tất cả hy vọng đều sụp đổ. Cha sẽ chẳng thể dự đám cưới của tôi hay nhìn thấy cháu nội. Khi số người chết tăng lên, bất hạnh cá nhân đã trở thành một nỗi đau của toàn thể", anh nói.
Người lái xe buýt Ranjith Chandrapal, 64 tuổi, trút hơi thở cuối cùng vào tháng 5/2020 tại chính bệnh viện nơi ông hay thả hành khách xuống xe. Người thân của ông không thể có mặt để nói lời vĩnh biệt. Leshie, con gái ông, cho biết cha cô là người khỏe mạnh, chưa từng nghỉ làm ngày nào.
Ông không được cấp khẩu trang mà phải tự mua. Ngoài ra, không có quy định bắt các hành khách phải đeo khẩu trang. "Cách chính phủ đối phó với cơn khủng hoảng thật thiếu sót và không thể tha thứ được. Họ để những nhân viên đi làm trong tình trạng không được bảo vệ", Leshie nói.
Đầu tháng 3/2020, một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm ở Anh khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm. Tuy nhiên, phải đến ngày 15/6/2020, chính phủ mới áp lệnh đeo khẩu trang đối với hành khách trên các phương tiện công cộng.
Một số nhà khoa học và chính trị gia phe đối lập cho rằng Thủ tướng Johnson đã phản ứng quá chậm trước sự lây lan của virus, làm hỏng chiến lược và thực thi giải pháp của chính phủ. Chính phủ Anh đã mắc một số sai lầm. Họ đã không lường trước làn sóng dịch, chậm trễ ra lệnh phong tỏa và chuyển bệnh nhân Covid-19 đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Hồi tháng 3/2020, cố vấn khoa học của chính phủ, Patrick Vallance, dự đoán số người chết lên tới 20.000. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các cố vấn chính phủ đã phải đưa ra kịch bản tệ nhất với 50.000 ca tử vong.
Những người dân Anh đang giận dữ mong muốn một cuộc điều tra để rút kinh nghiệm từ cách xử lý cuộc khủng hoảng của chính phủ. Thủ tướng Johnson phản đối những yêu cầu này. Các bộ trưởng cho biết dù đại dịch chưa được giải quyết ổn thỏa, họ đang đưa ra quyết định nhanh chóng và phát triển chương trình tiêm chủng tốt nhất toàn cầu.
Sau gần 11 tháng ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, các bệnh viện ở Anh đã biến thành chiến trường, ông Vallance cho biết. Người bệnh và nhân viên y tế vẫn đang đối mặt với cuộc chiến giành giật sự sống đang trở nên đáng gờm hơn với sự xuất hiện của những biến thể nCoV.
Theo Joy Halliday, cố vấn khoa điều trị tích cực ở Bệnh viện Đại học Milton Keynes, phải chứng kiến nhiều bệnh nhân qua đời là nỗi đau của tất cả nhân viên y tế. "Tình trạng bệnh nhân chuyển xấu rất nhanh. Họ có thể trông khỏe mạnh, rồi chỉ 20 phút sau đã không còn nói chuyện và tử vong 20 phút sau đó. Thực tế ấy thực sự khó khăn đối với bất kỳ ai", Halliday nói.
VnExpress (Theo Reuters)