Sau những nỗ lực khuyến khích tiêm chủng không thành công, các nước châu Âu buộc phải dùng "rượu phạt", siết hạn chế với những người quyết bài xích vaccine.
Khi mùa đông đến gần và số ca Covid-19 tăng nhanh trở lại khắp châu Âu, một số nước bắt đầu áp dụng những lệnh hạn chế chuyên biệt, chỉ nhắm vào bộ phận dân số vẫn từ chối vaccine. Giới chuyên gia y tế nhận định nhóm người này là tác nhân thúc đẩy làn sóng dịch mới nhất, xóa tan kỳ vọng hồi phục kinh tế xã hội và đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng vào nguy cơ "vỡ trận".
Áo là nước mới nhất áp dụng biện pháp trừng phạt những người không tiêm chủng.
Sau nhiều lần thuyết phục bất thành, chính phủ Áo quyết định cấm người trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine ra khỏi nhà, trừ mục đích thiết yếu gồm đi học, đi làm, mua nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế.
"Nhiệm vụ của chính phủ là bảo vệ nhân dân Áo. Chúng tôi đang làm đúng trách nhiệm", Thủ tướng Aexander Schallenberg tuyên bố, giải thích rằng ông buộc phải hành động khi số ca nCoV của Áo đã tăng tới 134% trong hai tuần qua.
Nhiều nước châu Âu cũng chọn hướng đi tương tự, siết chặt kiểm soát dịch tễ đối với người không tiêm vaccine và buộc họ thay đổi quan điểm nếu muốn cuộc sống trở lại bình thường như mọi người. Giới chức châu Âu cho rằng hành động mạnh tay là quyết định cần thiết để ngăn chặn kịch bản xấu nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần qua đánh giá châu Âu tiếp tục trở thành tâm dịch của thế giới. Các nhà khoa học cảnh báo khoảng nửa triệu người ở châu lục này có nguy cơ tử vong vì Covid-19 trong vài tháng tới nếu xu hướng hiện nay không được kìm hãm. Trong tuần đầu tháng này, châu Âu đã ghi nhận số ca tử vong tăng 10% và số ca nhiễm mới tăng 7% so với tuần cuối tháng 10.
Phần lớn bệnh nhân nhập viện và tử vong ở các nước Đông Âu, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhưng làn sóng lây nhiễm đe dọa đà phục hồi kinh tế và đợt nghỉ lễ Giáng sinh của cả châu lục.
Kế hoạch bình thường hóa kinh tế xã hội của các nước được xây dựng trên nền móng chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Tuy nhiên, làn sóng bài vaccine đẩy ý tưởng này đến bờ vực thất bại vì virus còn đường lây nhiễm, thậm chí có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới khó kiểm soát hơn.
Những quy định hạn chế mới tại Áo nhằm "hạn chế đáng kể tiếp xúc giữa người đã tiêm chủng và người chưa tiêm chủng", theo giáo sư Eva Schernhammer thuộc Đại học Y Vienna.
Tương tự, giới chức Đức tuyên bố chính phủ sẵn sàng áp lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt với những ai từ chối vaccine, như quy định xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính mới được sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Pháp buộc người trên 65 tuổi tiêm mũi tăng cường mới được cấp thẻ xanh Covid-19, trong khi Italy yêu cầu người lao động tiêm chủng hoặc chứng minh khỏi bệnh, âm tính nCoV mới được đến nơi làm việc.
Một số lãnh đạo phương Tây không mặn mà với chính sách tiêm chủng bắt buộc, nổi bật là Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Anh đã ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trong vài tuần qua, nhưng chính phủ chưa tái áp đặt quy định khẩu trang hay thẻ xanh vaccine.
Tuy thừa nhận một số nước châu Âu phải chọn hành động cứng rắn với người chưa tiêm chủng do hoàn cảnh, Thủ tướng Anh khẳng định chính phủ của ông vẫn theo đuổi mô hình tiêm chủng tự nguyện. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine, kêu gọi người trên 40 tuổi tiêm mũi tăng cường và thanh thiếu niên 16-17 tuổi tiêm mũi hai.
Johnson vẫn lo sợ "bão tố đang ập đến châu lục" và sớm muộn sẽ lan đến Anh. Mối lo mùa đông Covid-19 đang bao trùm giới hoạch định chính sách trên lục địa già, khi làn sóng lây nhiễm bùng phát ngay sát các nước Tây Âu.
Số ca nhiễm và nhập viện tại Đức tăng nhanh chóng do chương trình tiêm vaccine tăng cường triển khai chậm.
Một số quan chức y tế ban đầu kỳ vọng quy định xét nghiệm tính phí sẽ thúc đẩy người dân chủ động hơn với tiêm chủng. Tuy nhiên, tình hình dịch phức tạp buộc chính phủ trở lại với xét nghiệm miễn phí đại trà cho người trưởng thành để giám sát dịch tễ hiệu quả.
Trong tuần qua, ba đảng chính trị đang đàm phán xây dựng chính phủ liên minh tại Đức đã thống nhất siết chặt quy định quản lý người chưa tiêm chủng. Xét nghiệm được đề xuất làm yêu cầu bắt buộc khi vào nhiều sự kiện và địa điểm, áp dụng cả với người đã tiêm đủ hai mũi. Một số bang còn mạnh tay hơn, yêu cầu người dân mang khẩu trang trở lại và trình chứng nhận tiêm chủng khi đến nơi công cộng.
Pháp đã tuyên bố các trường tiểu học phải áp dụng lại quy định khẩu trang.
Theo số liệu chính thức, số ca nhiễm hàng ngày tại Pháp tăng gấp đôi so với đầu tháng 10, từ 4.000 lên 8.000 ca/ngày. Chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu mọi công dân trên 65 tuổi từ ngày 15/12 phải tiêm mũi tăng cường, tránh bệnh nặng khi nhiễm nCoV và khiến hệ thống y tế quá tải.
Bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, là nơi hiếm hoi ở châu Âu đang tự tin nới lỏng quy định chống dịch.
Bồ Đào Nha, quốc gia hơn 10,3 triệu dân, đã hoàn tất tiêm chủng trên 90% người dân cả nước và dỡ bỏ hầu hết lệnh hạn chế từ ngày 1/10. Tây Ban Nha, nơi hơn 80% dân số tiêm đủ hai mũi, cũng không còn yêu cầu người dân xuất trình thẻ xanh.
Trong khi đó, Italy dù đạt tỷ lệ tiêm chủng hơn 80% dân số trên 12 tuổi vẫn hết sức đề phòng mùa đông Covid-19. Các chuỗi lây nhiễm bắt đầu bùng phát mạnh ở phía bắc, từ Áo và Slovenia lan sang biên giới. Nước này đang áp dụng mô hình thẻ xanh Covid-19 nghiêm ngặt nhất châu Âu. Cư dân muốn đến nơi làm việc cần xuất trình chứng nhận tiêm chủng, hoặc chấp nhận xét nghiệm liên tục để có kết quả âm tính.
Taxi ở Italy chỉ được chở hai người, trừ các thành viên sống chung nhà. Giới chức y tế hoặc cảnh sát đường sắt được quyền dừng tàu nếu hành khách có triệu chứng mắc Covid-19.
Ngoại trưởng Luigi Di Maio cảnh báo nếu làn sóng dịch bùng phát trước Giáng sinh, nước này có thể áp dụng những biện pháp còn mạnh tay hơn. Ông nhấn mạnh mô hình thẻ xanh Covid-19 hiện nay nhằm giữ cho hoạt động kinh doanh cả nước vận hành bình thường và duy trì mở cửa nền kinh tế.
"Hãy nhìn sang những nước châu Âu còn lại. Họ có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn chúng ta và đang phải chấp nhận hàng loạt biện pháp còn nghiêm ngặt hơn nữa", ông phát biểu trước báo giới ngày 14/11.
Thủ tướng Áo Schallenberg khẳng định biện pháp "rượu phạt" của ông là nhằm thúc đẩy người chưa tiêm vaccine đi tiêm chủng, đồng thời không buộc những người đã tiêm phải chịu các biện pháp hạn chế.
"Chúng ta đang sa vào vòng luẩn quẩn giữa các làn sóng lây nhiễm và biện pháp phong tỏa", Schallenberg nói. "Cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó là tiêm chủng".
Nguồn: VnExpress