Ông Andrew Pollard, người đứng đầu nhóm vắc xin Oxford, ngày 10-8 đưa ra quan điểm trái ngược với Bộ Y tế Anh, khi cho rằng tiêm liều bổ sung là chưa cần thiết và Anh nên tặng những liều này cho các nước khác.
Người đứng đầu nhóm vắc xin Oxford - ông Andrew Pollard - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, ông Pollard cho biết quyết định tiêm liều bổ sung nên dựa vào các nghiên cứu khoa học, và chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự gia tăng các ca tử vong hay bệnh nặng trong số những người đã tiêm đủ vắc xin COVID-19.
"Không có bất kỳ lý do gì để hoảng loạn ở thời điểm này. Chúng tôi không thấy có vấn đề bệnh nặng ở ca đột phá" - ông Pollard nói. Ca đột phá là chỉ những người mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ liều vắc xin.
Theo ông Pollard, hiệu quả bảo vệ của vắc xin sẽ giảm dần và "chúng ta sẽ nhận ra thời điểm đó và có thể ứng phó".
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết ông trông đợi chương trình tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường ở nước này sẽ bắt đầu vào đầu tháng 9 trong khi chờ lời khuyên cuối cùng từ các quan chức y tế.
Hãng dược AstraZeneca, hợp tác phát triển vắc xin COVID-19 với ĐH Oxford, cho biết hãng cần thêm thời gian để đánh giá liệu có cần phải tiêm liều bổ sung để duy trì hiệu quả bảo vệ của vắc xin hay không.
Trong khi đó, Pfizer cho biết liều thứ ba của hãng này sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ trước COVID-19.
Cho tới nay, Anh đã tiêm hai liều vắc xin cho 3/4 dân số trưởng thành.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đã kêu gọi các nước hoãn kế hoạch tiêm liều bổ sung cho tới khi có thêm nhiều người hơn được tiêm chủng trên khắp thế giới.
Đồng quan điểm, ông Pollard cho rằng các nguồn vắc xin sẽ được sử dụng tốt hơn khi dùng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương ở các quốc gia khác.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online