Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của họ với những người đồng cấp Anh về Luật hải cảnh của Trung Quốc vừa có hiệu lực từ 1-2.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi dự cuộc họp trực tuyến ngày 3-2-2021 với các quan chức đồng cấp của Anh là Ngoại trưởng Dominic Raab và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace - Ảnh: AP
Theo Hãng tin AP, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến hôm nay 3-2, Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi, cho biết: "Nhật Bản vẫn đang cảnh giác và rất chú ý tới ảnh hưởng của luật đó với chúng tôi".
"Tôi tin là luật này không nên được sử dụng theo cách thức vi phạm luật pháp quốc tế", ông Toshimitsu Motegi tiếp.
Theo Luật hải cảnh mới của Trung Quốc, cảnh sát biển Trung Quốc được phép "sử dụng mọi phương tiện cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị xâm phạm bởi các tổ chức hoặc cá nhân ngoài biển".
Luật này cũng cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép phá hủy các cấu trúc công trình những nước khác xây dựng trên những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền (ngay cả khi chủ quyền đó là đơn phương tuyên bố phi pháp), được bắt hoặc ra lệnh cho các tàu nước ngoài xâm phạm vùng lãnh hải của Trung Quốc phải rút đi.
"Chúng tôi muốn chia sẻ mối quan ngại sâu sắc với quý vị" về luật này, Hãng tin AP dẫn lời ông Motegi nói với hai quan chức Anh Dominic Raab và Ben Wallace đang họp trực tuyến từ London, Anh.
Các bộ trưởng hai nước cũng đã thảo luận về những phương thức thắt chặt hơn quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng và đảm bảo thực thi tầm nhìn "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do", một chiến lược mà Nhật Bản cũng đã thúc đẩy Mỹ, Úc và Ấn Độ tham gia.
Theo Hãng tin Reuters, London ngày 3-2 thông báo sẽ thúc đẩy hợp tác sâu hơn với Nhật về an ninh, quốc gia và dự kiến điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online