Nhiều người di cư sang Anh với ước mơ về một cuộc sống mới với những cơ hội mở ra trước mắt nhưng họ bị bóc lột sức lao động và làm việc như những nô lệ thời hiện đại.
Cơ quan tội phạm quốc gia Anh ước tính, có hơn 10.000 người sống ở Anh đang sống như những nô lệ thời hiện đại. Phóng viên của Đài truyền hình Đức DW đã gặp Liza, một phụ nữ trẻ Philipines, người được hứa hẹn làm 1 công việc ổn định ở Anh nhưng giấc mơ của chị đã biến thành ác mộng.
Đến được nước Anh là một giấc mơ đối với chị Liza. Chị đã rời ngôi nhà của mình ở Philippines với mong muốn tìm một cuộc sống mới tự do và thịnh vượng. Một phụ nữ Philippines và ông chồng người Anh đã sắp xếp cho chị Liza visa để sang Anh. Đổi lại, chị Liza sẽ chăm sóc con cái cho họ. Tuy nhiên, công việc trong mơ đã trở thành một cơn ác mộng đối với chị. Chị Liza đã phải làm việc 7 ngày trong tuần với số tiền lương là 260 EUR/tháng.
Chị Liza bị chê bai và bị bóc lột. Chị không có cuộc sống riêng bởi vì luôn phải làm việc. Chị thấy mình như một nô lệ. Chị đã làm như vậy trong 5 năm cho đến khi chị bỏ trốn.
Hàng ngàn người ở Anh bị cưỡng bức lao động. Họ thường làm việc trong các cửa hàng làm móng, khách sạn hay các công trình xây dựng.
Mục sư Jeremy Cullimore phát hiện ra gia đình Rooney sử dụng nô lệ sau khi các nạn nhân tìm kiếm nơi ẩn náu trong nhà thờ. Mặc dù mục sư Cullimore vẫn nhận được những lời đe dọa nặc danh nhưng ông vẫn khuyến khích họ phá vỡ sự im lặng và 11 thành viên của gia đình Rooney bị kết án sử dụng nô lệ hiện đại. Ít nhất 18 người đã bị gia đình Rooney bắt giữ, một số người bị giam giữ trong hơn 20 năm.
Họ săn tìm những người vô gia cư, người khuyết tật và người nhập cư. Nhiều người từ Đông Âu đến thành phố Lincoln với hy vọng tìm được việc làm ở những trang trại gần đó. Gia đình Rooney hứa hẹn cho họ làm việc và một nơi để ở. Tuy nhiên, cảnh sát đã tiết lộ những hình ảnh cho thấy nạn nhân đã phải sống khổ sở trong xe kéo, trong điều kiện vô nhân đạo. Tuy nhiên, hầu hết họ không dám chạy trốn. Bởi họ cũng sợ mất mọi thứ và bị đuổi về nước.
Một dự luật hỗ trợ nạn nhân đã được đệ trình lên Quốc hội Anh để hỗ trợ các nạn nhân trong vòng 12 tháng.
Chị Liza đã nhận được sự trợ giúp từ một tổ chức viện trợ. Chị đang hy vọng thị thực của chị sẽ được gia hạn. Nhưng chị đã chờ đợi trong 2 năm. Chị Liza muốn sống cuộc sống mà chị mong ước tìm thấy ở đây, đó là chị có thể kiếm tiền và được tự do lựa chọn những điều mình yêu thích.
Nguồn: VTV