Nỗi lo lạm phát làm suy yếu niềm tin kinh doanh ở Anh

Giá tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm tới, khi 60% doanh nghiệp đa ngành được khảo sát cho biết họ đang lên kế hoạch tăng giá sản phẩm và dịch vụ.

1 Noi Lo Lam Phat Lam Suy Yeu Niem Tin Kinh Doanh O Anh

Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Vương quốc Anh chạm mức thấp nhất trong 12 tháng trong bối cảnh các rắc rối về chuỗi cung ứng và nỗi lo lạm phát.

Niềm tin kinh doanh của người Anh trong tháng 10 đã giảm xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lo ngại về lạm phát tiềm ẩn và áp lực chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu sự phục hồi bền vững từ những gián đoạn do Covid-19 gây ra.

Dự báo lạm phát của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Vương quốc Anh tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng trước, với 66% dự kiến chi phí phi nhân sự sẽ tăng trong năm tới - gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 33%, theo khảo sát mới nhất về triển vọng kinh doanh của Accenture và IHS Markit với 1.300 doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Những lo ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu là động lực chính đằng sau giả định rằng chi phí kinh doanh sẽ tăng lên, trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng càng làm dấy lên những lo ngại.

Nhưng khi thị trường lao động thắt chặt hơn nữa và chi phí sinh hoạt tăng vùn vụt, kỳ vọng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng họ sẽ phải tăng lương cho nhân viên cũng tăng lên mức cao kỷ lục 75% - mức cao nhất trên toàn thế giới.

Điều này, cùng với những lo ngại liên tục về khó khăn trong tuyển dụng nhân viên có kỹ năng, đã khiến niềm tin của các công ty về tuyển dụng trong 12 tháng tới giảm xuống 32%, giảm từ mức cao kỷ lục 41% hồi tháng 6.

Hậu quả của việc các chi phí này đang phình ra là phần nhiều các doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng tăng giá sản phẩm để bảo vệ lợi nhuận.

Accenture dự báo giá tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong năm tới, khi 60% doanh nghiệp đa ngành được khảo sát cho biết họ đang lên kế hoạch tăng giá sản phẩm và dịch vụ.

Kỳ vọng tăng giá là cao nhất (76%) trong số các công ty sản xuất, và ngay cả các công ty dịch vụ (52%) cũng dự định tính phí khách hàng nhiều hơn.

2 Noi Lo Lam Phat Lam Suy Yeu Niem Tin Kinh Doanh O Anh

Những lo ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu là động lực chính đằng sau giả định rằng chi phí kinh doanh sẽ tăng lên. Ảnh: BBC

Mức độ lạc quan trong kinh doanh ở Anh vẫn cao

Bất chấp những thách thức về chi phí này, hơn một nửa (56%) doanh nghiệp khu vực tư nhân của Vương quốc Anh tự tin vào sự đi lên của hoạt động kinh doanh trong 12 tháng tới, trong khi chỉ 11% dự kiến sẽ giảm.

Như vậy, mức chênh ròng dương giữa số lượng doanh nghiệp lạc quan và số lượng doanh nghiệp bi quan về nền kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp vẫn là 45%. Mặc dù có sự sụt giảm so với năm ngoái, mức này vẫn cao hơn so với mức hồi mùa hè khi nền kinh tế Anh bắt đầu mở cửa, và thậm chí còn cao hơn so với mức ghi nhận trong giai đoạn năm trước đại dịch.

Kỳ vọng rằng nhu cầu sẽ tiếp tục phục hồi về mức trước đại dịch, kết hợp với sự phục hồi của du lịch quốc tế và sự lạc quan về tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu mới hậu Brexit, là những động lực chính thúc đẩy triển vọng tích cực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Vương quốc Anh.

Việc phong tỏa toàn quốc đã kết thúc cách đây 4 tháng và triển khai vắc-xin diễn ra tương đối nhanh chóng ở Vương quốc Anh, niềm tin của các doanh nghiệp nước này vẫn cao hơn ở mọi quốc gia châu Âu khác, trừ Ireland.

Mức chênh ròng dương ở châu Âu là 38%, còn trên toàn cầu là 33%.

“Mức độ niềm tin kinh doanh cao mà chúng tôi thấy hồi đầu năm nay đã bị kìm hãm bởi một số điều kiện bất lợi không lường trước được”, Simon Eaves, Trưởng bộ phận Thị trường Vương quốc Anh tại Accenture, cho biết.

“Mặc dù vậy, mức độ lạc quan trong kinh doanh ở Anh vẫn cao hơn so với ở hầu hết các quốc gia châu Âu khác, và chúng ta phải tận dụng tâm lý này để truyền cảm hứng cho sự tăng trưởng hơn nữa trên toàn nền kinh tế”.

“Những thách thức trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động không thể được khắc phục trong một sớm một chiều”, Eaves nhận định. “Nhưng điều quan trọng là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp mình và đầu tư vào các công nghệ phù hợp, chẳng hạn như đám mây và dữ liệu, đồng thời giới thiệu các kỹ năng phù hợp để duy trì khả năng cạnh tranh”.

Minh Đức (Theo CityAM, IHS Markit)

 

Bài liên quan