Những biến động thời gian gần đây cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với khủng hoảng về nhiều mặt.
Trong khi chưa tháo gỡ được thế bế tắc để đưa các cuộc đàm phán Brexit với Liên minh châu Âu (EU) sang một giai đoạn mới, thì vai trò lãnh đạo của Thủ tướng May một lần nữa lại “thử lửa” khi bà mất hai bộ trưởng trong vòng một tuần những ngày đầu tháng 11, nhiều quan chức chính phủ dính dáng tới các vụ bê bối quấy rối tình dục, cộng thêm những chia rẽ trong đảng Bảo thủ khiến cho khả năng bà có được sự ủng hộ đa số tại Quốc hội đứng trước thử thách cam go nhất.
Một tuần sau khi ông Michael Fallon từ chức Bộ trưởng quốc phòng Anh liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục cách đây nhiều năm, tới lượt Bộ trưởng phát triển quốc tế Priti Patel cũng đi tới kết cục tương tự do vi phạm các quy tắc ứng xử cấp bộ trưởng. Không loại trừ khả năng danh sách “ra đi” chỉ dừng ở đó.
Phó Thủ tướng Damian Green đang phải cung cấp các bằng chứng để chứng minh ông không dính dáng đến các cáo buộc về quấy rối tình dục.
Trong khi đó, chiếc ghế của Bộ trưởng ngoại giao Boris Johnson cũng bị lung lay, sau khi ông “lỡ miệng” nói một cách thiếu chính xác trước một ủy ban Quốc hội rằng bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe đến Iran “dạy báo chí”, khiến cho người phụ nữ Anh gốc Iran bị bắt và tuyên án 5 năm tù tại Iran vì tội tuyên truyền chống phá chính quyền này có nguy cơ bị tăng thêm án.
Có thể nói tình hình bất ổn trong nhóm quan chức chóp-bu của Thủ tướng May đã làm phức tạp thêm tình hình chính trị vốn đã căng như dây đàn tại đây.
Quyết định tổ chức bầu cử sớm hồi tháng Sáu đã làm Thủ tướng May phải trả giá bằng việc mất đi đa số ghế tại Quốc hội và uy quyền của bà giảm sút đáng kể vào thời điểm bà đang rất cần nó để hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong đảng Bảo thủ, cũng như để tăng cường vị thế trên bàn đàm phán Brexit với EU.
Mười sáu tháng kể từ khi nước Anh “nói có” với Brexit, tình trạng chia rẽ vẫn tồn tại trong mọi tầng lớp, từ cử tri đến các quan chức chính phủ. Với việc thay thế bà Patel bằng bà Penny Mordaunt, một người ủng hộ Brexit khác, bà May muốn giữ thế cân bằng trong đội ngũ quan chức chính phủ của mình.
Nhiều người cho rằng sẽ là sai lầm nếu thay đổi thế cân bằng trong Nội các. Tạm thời, sự cân bằng này vẫn được duy trì khi ông Michael Fallon, một người đi đầu phong trào ủng hộ ở lại EU, ra đi, song đồng thời phe ủng hộ rời EU lại đánh mất một trong những “ngôi sao” của họ là bà Patel.
Vào thời điểm Chính phủ chuẩn bị cho việc công bố kế hoạch Ngân sách quan trọng, vòng đàm phán Brexit thứ sáu vừa qua đã không đạt được tiến bộ nào để có thể tạo bước đệm có ý nghĩa khi các bên bước vào Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tháng 12 tới, thì những xáo trộn ngoài dự báo trong Nội các Anh đang làm gia tăng mối quan ngại về một Chính phủ đang rơi vào khủng hoảng và các nước EU phải tiến hành đàm phán với một chính phủ đang chao đảo.
Kết thúc vòng đàm phán Brexit thứ sáu với việc không đạt được tiển triển khả quan, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier thậm chí còn đưa ra thêm điều kiện cho Chính phủ Anh là phải làm rõ những cam kết tài chính trong vòng hai tuần.
Trong khi vấn đề biên giới Ireland nổi lên là thách thức lớn đối với nước Anh, khi Chính phủ Ireland đòi hỏi những cam kết cụ thể và tức thời cho một giải pháp nhằm giữ Bắc Ireland tiếp tục ở lại Khu vực thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu.
Quan điểm của EU vẫn là muốn nhìn thấy những thành quả của việc “xây dựng lòng tin” từ phía Anh và giải quyết các vấn đề trên, trước khi tính tới chuyện thảo luận các mối quan hệ trong tương lai.
Giới quan sát đánh giá rằng những tiến bộ trong các cuộc đàm phán tại Brussels giữ vai trò sống còn trong việc bà May có được sự hậu thuẫn của giới doanh nghiệp Anh vốn đang phấp phỏng, chờ đợi có được một phác thảo nào đó về một thỏa thuận với EU.
Các doanh nghiệp đang rất cần biết điều gì sẽ xảy đến khi nước Anh rời liên minh, để có thể đưa ra những đối sách cần thiết. Nếu không họ sẽ buộc phải triển khai các kế hoạch đối phó với Brexit, như chuyển việc làm và trụ sở sang các nước EU khác từ bây giờ.
Liên đoàn Công nghiệp Anh mới đây cảnh báo rằng nếu Chính phủ Anh và EU không đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp vào tháng 3/2018 trước khi nước Anh chính thức chia tay EU một năm sau đó, khoảng 60% doanh nghiệp tại Anh sẽ phải triển khai kế hoạch đối phó với Brexit. Hiện đã có khoảng 10% các doanh nghiệp Anh triển khai kế hoạch nói trên.
Sau khi nước Anh mất vị bộ trưởng thứ hai chỉ trong một tuần, Tờ The Times đã giật tít: “Các nhà lãnh đạo EU chuẩn bị cho sự ra đi của Thủ tướng Theresa May trước Năm Mới”.
Brussels cho rằng sự bất ổn của Chính phủ Thủ tướng May đang làm gia tăng khả năng thay đổi đội ngũ lãnh đạo hay một cuộc tổng tuyển cử với chiến thắng thuộc về Công đảng. Những người thân cận của lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn tin tưởng họ sẽ lên nắm quyền chỉ trong một năm.
Tờ báo dẫn lời một nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng lãnh đạo nước Anh đang đối diện với khó khăn vô cùng lớn và EU đang chuẩn bị cho mọi tình huống, kể cả trong trường hợp nước Anh rời EU không đạt được thỏa thuận nào.
Việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng phát triển quốc tế mới có thể giúp bà May có được sự ủng hộ của các thành viên trẻ trong đảng Bảo Thủ, những người vốn bất mãn với cách bà tổ chức chiến dịch vận động tranh cử trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng Sáu. Thất bại trong việc xoa dịu những bất mãn này cũng như việc không dàn xếp ổn thỏa những xáo trộn chính trị hiện nay được coi là nguy cơ lớn với tương lai lãnh đạo của bà May.
Để có thể thông qua các dự luật, bao gồm dự luật liên quan đến Brexit tại Hạ viện tới đây, rõ ràng bà May cần sự ủng hộ của các nghị sĩ trong Hạ viện. Không làm được những điều này, không loại trừ khả năng đảng Bảo thủ sẽ tìm cách thay thế bà. Trên lý thuyết là vậy, song trước mắt chưa xuất hiện ứng cử viên sáng giá nào có thể thay vị trí của đương kim Thủ tướng Anh.
Giới quan sát lưu ý rằng cuộc nội chiến âm ỉ trong lòng đảng Bảo thủ cũng không hoàn toàn bất lợi cho bà May. Với việc bà ngự ở vị trí lãnh đạo hiện nay, cũng khó thay thế bà mà không châm ngòi cho một cuộc chiến gây nhiều tổn thất, dù người thay thế bà ủng hộ việc ra đi hay ở lại EU.
Có thể bà May lãnh đạo đất nước vào giai đoạn thiếu may mắn, song một loạt quyết định của bà, từ việc thiên về Brexit “cứng”, cho tới việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon có phần vội vàng và không được chuẩn bị kỹ, cho tới quyết định bầu cử sớm với chiến dịch tranh cử thực hiện có phần chủ quan, thiếu hợp lý khiến cho những khó khăn nhỏ tích tụ thành khó khăn lớn, thảm họa nhỏ thành bi kịch lớn.
Trên mặt trận kinh tế, những tác động không mong muốn của Brexit đối với kinh tế và đầu tư, một loạt “cơn gió ngược” khác như lạm phát và gần đây nhất là giá dầu tăng cao, tác động tiêu cực lên chi tiêu tiêu dùng, một động lực tăng trưởng kinh tế chủ chốt đang tạo ra những nguy cơ đối với nước Anh và vị thế của nước này trong nền kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và mới đây là Ủy ban châu Âu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh.
Cuộc “thử lửa” tiếp theo với “xứ sở sương mù là các cuộc đàm phán với EU tại hội nghị thượng đỉnh tháng tới, chưa tính tới khả năng Nội các Anh trải qua thêm sóng gió.
Rõ ràng nếu không tạo được bước ngoặt đáng kể nào cũng như các cuộc đàm phán dậm chân tại chỗ cho tới cuối năm 2018, sự phản đối trong Quốc hội gia tăng sẽ khiến vị thế của bà ở chính trường trong nước cũng như trên bàn đàm phán với EU có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Như Mai
Nguồn: Bnews/TTXVN