Nước Anh chia rẽ sâu sắc vì Brexit

Sau nửa tháng sóng gió với một loạt biến động trên chính trường, uy tín của Thủ tướng Anh Theresa May đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh khi một loạt nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền có ý định liên kết với Công đảng để gây áp lực yêu cầu sửa đổi dự luật rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đang được thảo luận tại Quốc hội.

426 Content 1 75
Việc đi hay ở lại EU vẫn đang là vấn đề gây chia rẽ trầm trọng tại Anh.

Nguyên nhân khiến những mâu thuẫn trong nội bộ đảng Bảo thủ bùng phát là do Chính phủ đã đưa ra dự thảo bổ sung điều luật ấn định chính thức thời điểm Anh rời khỏi EU vào 23h ngày 29-3-2019, trước khi dự luật Brexit được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện. Kế hoạch trên đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ được cho là “nổi loạn”. Những nhân vật có tư tưởng thân EU này cho rằng, điều khoản bổ sung của Chính phủ sẽ “trói tay” nước Anh và có thể cản trở việc đạt được một thỏa thuận có lợi trong trường hợp cần có thêm thời gian để đàm phán. Theo quan điểm của những nghị sĩ trên, việc luật hóa thời điểm rời EU chỉ là cách của Chính phủ nhằm “lấy lòng” những nghị sĩ ủng hộ Brexit. Để đảo ngược tiến trình này, những nhà lập pháp theo đường lối ở lại EU trong đảng cầm quyền đang lên kế hoạch phát động một chiến dịch “Nghĩ lại” để ngăn chặn việc Anh rời khỏi EU.

Ông John Kerr, cựu Đại sứ của Anh tại EU từng tham gia soạn thảo Điều 50 Hiệp ước Lisbon về chấm dứt tư cách thành viên EU của một nước cho rằng, việc Thủ tướng T.May quyết định gửi thư kích hoạt Điều 50 không có nghĩa rằng Brexit là không thể tránh khỏi. Theo nhà ngoại giao kỳ cựu này, nước Anh có thể đổi ý định bất kỳ lúc nào và Châu Âu sẽ đồng ý. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, nhân vật có tên tuổi trong chiến dịch “Ở lại” của Công đảng, lên tiếng cho rằng, xứ Sương mù nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit. Cựu Thủ tướng Tony Blair và cựu Phó Thủ tướng Nick Clegg cũng tuyên bố ủng hộ Anh ở lại EU. Hiện tại, 40 nghị sĩ đảng Bảo thủ đang tích cực vận động thêm 8 nghị sĩ ký tên vào bức thư bày tỏ bất tín nhiệm đối với Thủ tướng T.May. Nếu đủ số lượng, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng sẽ được triển khai tại Quốc hội.

Trong lúc nhà lãnh đạo 61 tuổi phải đối mặt với khó khăn nhằm thúc đẩy dự luật Brexit được thông qua tại Quốc hội, những nhân vật được cho là thân thiết với bà trong nội các là Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon và Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Priti Patel vừa phải rời khỏi chính trường. Phó Thủ tướng Damian Green thì bị điều tra vì những cáo buộc có hành vi không đúng mực. Ngoại trưởng Boris Johnson cũng đối mặt với sức ép từ chức vì vấn đề ngoại giao liên quan đến một công dân Anh đang chịu án tù tại Iran.

Theo kế hoạch, đến tháng 12 này, sau khi công bố kế hoạch ngân sách, Chính phủ Anh sẽ phải đối mặt với “cửa sát hạch” khó khăn nhất tại Hạ viện liên quan đến dự luật Brexit. Nhưng ngay cả khi vượt qua những trở ngại tại đây, nhiều khả năng văn kiện trên sẽ bị yêu cầu sửa đổi tiếp tại Thượng viện. Mặc dù Bộ trưởng phụ trách đàm phán các vấn đề Brexit của Anh, ông David Davis, vừa khẳng định bà T.May chắc chắn sẽ tiếp tục giữ cương vị thủ tướng, ít nhất là đến sau Brexit. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, khó có thể dự đoán diễn biến chính trường đảo quốc Sương mù sẽ ngả theo hướng nào. Thậm chí, EU cũng đang chuẩn bị cho sự đổ vỡ của đàm phán Brexit trong bối cảnh Chính phủ tại London phải đối mặt với những chia rẽ sâu sắc. Vậy là, sau rất nhiều những vấn đề phức tạp, đến thời điểm này, nước Anh vẫn còn lúng túng trên hành trình Brexit khi ngày càng có nhiều tiếng nói mong muốn trở về với mái nhà chung EU.

Phương Quỳnh

Nguồn: Hà Nội Mới

Bài liên quan