Theo các quan chức và chuyên gia trong ngành ngân hàng, Vương quốc Anh nên tiếp tục mở cửa thị trường trong nước cho các ngân hàng và nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu (EU) sau khi nước này rời EU – còn gọi là Brexit – để nỗ lực bảo vệ vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của London, cho dù nước này có đạt được một thỏa thuận thương mại tích cực với EU hay không.
Trụ sở ngân hàng Deutsche Bank của Đức tại thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN Trung tâm tài chính City of London hồi tháng 7/2018 bày tỏ quan ngại khi Chính phủ Anh đề xuất thực hiện các hoạt động thương mại dịch vụ tài chính trong tương lai với EU dựa trên các thỏa thuận “có đi có lại”. Các ngân hàng lo ngại điều này đồng nghĩa với việc nếu EU không để nước Anh tiếp cận dễ dàng thị trường của khối này, thì London sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế đáp trả đối với các ngân hàng EU hay thậm chí siết chặt quản lý đối với tất cả ngân hàng nước ngoài.
Trong thời gian qua, nước Anh đã cho phép các ngân hàng của “nước thứ ba” không thuộc EU mở chi nhánh ngân hàng bán buôn ở London, đồng nghĩa với việc không yêu cầu các khoản vốn dự phòng “tốn kém” như các công ty con phải có.
Ngoài ra, London cũng cho phép các pháp nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ ngân hàng bán buôn mà không cần phải có cơ sở hoạt động thường trực tại nước Anh. Theo một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu về Brexit, cách thức đối xử của nước Anh dành cho các doanh nghiệp của nước thứ ba có thể được coi như một trong những yếu tố giúp nước này trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.
Các ngân hàng nước Anh và EU đang chờ xem cách thức đối xử của London trong tương lai đối với chi nhánh của các ngân hàng EU tại nước Anh và ngược lại theo bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà hai bên đạt được hay trong trường hợp không đạt được. Ông Andrew Bailey, người đứng đầu Cơ quan Thực thi Tài chính Anh, cho rằng vấn đề chính ở đây là liệu các khách hàng EU sẽ được phép tiếp tục hoạt động kinh doanh ở London hậu Brexit hay không.
Theo các nhà hoạch định chính sách Anh, nước này nên có được các điều khoản tốt trong thỏa thuận về quan hệ thương mại với EU hậu Brexit (nếu có) vì EU cần kinh nghiệm chuyên môn của Trung tâm tài chính City of London để quản lý 1.200 tỷ bảng (1.500 tỷ USD) tài sản của các nhà đầu tư, phát hành trái phiếu và cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho các doanh nghiệp mới của EU.
Cũng theo các nhà hoạch định chính sách Anh, EU cũng chưa đẩy nhanh việc thành lập liên minh các thị trường vốn riêng của khối này để thay thế cho City of London.
Tuy vậy, 43% doanh thu dịch vụ tài chính bán buôn và quốc tế của nước Anh đến từ EU, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh trong lĩnh vực này và có trị giá 26 tỷ bảng (33 tỷ USD). Deutsche Bank ước tính rằng thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh sẽ cao trên 40% nếu quan hệ hợp tác của đôi bên trong lĩnh vực này không còn.
Nguon: https://baotintuc.vn