Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố chấm dứt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sau khi số ca bệnh COVID-19 được cho là đã đạt đỉnh.
Bảng điện tử nhắc nhở COVID-19 vẫn chưa kết thúc trên đường phố Bolton, Anh - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, Anh là quốc gia đầu tiên hạn chế việc đi lại quốc tế do lo ngại biến thể Omicron. Tháng 12-2021, giới chức Anh khuyến nghị người dân làm việc tại nhà, đeo khẩu trang nhiều hơn và tiêm vắc xin để ngăn dịch lây lan.
Số ca bệnh mới ở Anh vẫn tăng cao nhưng số ca nhập viện và tử vong tăng ít, một phần là do chiến dịch tiêm nhắc lại của chính phủ.
Cách tiếp cận sống chung với dịch của Thủ tướng Johnson trái ngược với cách tiếp cận không khoan nhượng với COVID-19 ở Trung Quốc hay Hong Kong, và cũng ít khắt khe hơn so với nhiều nước châu Âu khác.
"Nhiều quốc gia trên khắp châu Âu đã phải phong tỏa vào mùa đông nhưng chính phủ này đã đi một con đường khác", Thủ tướng Johnson nói vào ngày 19-1, đồng thời cho biết số lượng người phải chăm sóc đặc biệt đang giảm.
Theo ông Johnson, các nhà khoa học Anh tin rằng làn sóng Omicron đã đạt đỉnh trên toàn quốc. Người dân không còn buộc phải mang khẩu trang ở mọi nơi, không bắt buộc có giấy chứng nhận COVID-19 và người dân cũng không nhất thiết phải làm việc tại nhà.
Dù vậy, ông Johnson cũng thừa nhận "đại dịch vẫn chưa kết thúc".
Trong khi đó, tình hình không khả quan lắm ở một số nước châu Âu khác như Đức hay Pháp.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Đại học Strasbourg, Pháp - Ảnh: AP
Ở Pháp, ngày 18-1, Cơ quan Y tế công cộng nước này ghi nhận thêm gần 465.000 người mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ, con số cao kỷ lục. Trước đó một ngày, con số này chỉ hơn 102.000 ca.
Tính trung bình 7 ngày qua, số ca mắc mới hằng ngày tại Pháp vượt qua ngưỡng 300.000 ca.
Trong ngày 19-1, Đức ghi nhận 112.323 ca mắc mới COVID-19, cao kỷ lục từ trước tới nay. Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach dự đoán làn sóng sẽ đạt đỉnh trong vài tuần nữa và đang cân nhắc tiêm chủng bắt buộc vào tháng 5 tới.
Đài RTL dẫn lời Bộ trưởng Lauterbach cho biết số lượng ca mắc COVID-19 chưa được ghi nhận có thể lớn hơn khoảng 2 lần so với con số trong báo cáo.
Cần thêm 5,2 tỉ USD cho vắc xin
Ngày 19-1, Chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX cho biết họ cần thêm 5,2 tỉ USD trong 3 tháng tới để phân phối vắc xin trong năm 2022.
COVAX muốn có 3,7 tỉ USD để phân phối 600 triệu liều vắc xin cho các nước nghèo nhất; 1 tỉ USD để phân phối cho các nước nghèo và 545 triệu USD để trang trải các chi phí khác.
Cho tới nay, COVAX đã nhận 192 triệu USD từ các nhà tài trợ.
COVAX mất gần 1 năm để phân phối 1 tỉ liều vắc xin đầu tiên, hoàn thành vào cuối tuần qua. Giám đốc Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley kỳ vọng 1 tỉ liều tiếp theo sẽ được phân phối trong 4 đến 5 tháng.
Tin vắn:
Nhật Bản: Chính phủ tái áp đặt các hạn chế phòng dịch ở 13 khu vực, bao gồm Tokyo vào ngày 19-1, kéo dài đến giữa tháng 2. Các quy định nhắm hạn chế cuộc sống về đêm.
Malaysia: Nới lỏng biện pháp phòng dịch vào dịp Tết Nguyên đán, tạo điều kiện cho người dân đoàn tụ với gia đình và thăm người thân.
Trung Quốc: Số ca mắc mới trong ngày 19-1 là thấp nhất trong vòng 2 tuần, nhờ phong tỏa, cách ly và xét nghiệm hàng loạt.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online