Một nội dung trọng tâm trong điều chỉnh chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng và phát triển vừa được Anh công bố là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Kể từ sau Thế chiến 2 đến nay, chưa thủ tướng nào ở Anh điều chỉnh các phương diện chính sách nói trên sâu rộng và cơ bản như thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson.
Ông Johnson làm việc ấy vì hai lý do chính. Thứ nhất, nước Anh đã ra khỏi EU và phải cấu trúc lại toàn bộ môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Thứ hai, người này theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng phát triển “nước Anh toàn cầu” sau khi rời khỏi EU.
Trong văn kiện mới, phía Anh nhìn nhận Indo-Pacific là sân khấu chính của diễn biến tình hình thế giới trên mọi phương diện trong thời gian tới. Những vấn đề lớn đặt ra cho nước Anh tại khu vực này là đối phó Trung Quốc, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, gây dựng mạng lưới đối tác kinh tế và thương mại với các nước trong khu vực và tham gia định hình cấu trúc chính trị an ninh cũng như trật tự kinh tế thương mại cho cả khu vực.
Để có chân và chiếm phần trong cuộc chơi lớn này, chính phủ Anh đưa ra những chủ trương như tăng cường tiềm lực quân sự nói chung, đặc biệt về vũ khí hạt nhân, và tăng cường hiện diện quân sự trực tiếp ở khu vực nói riêng, tranh thủ và liên kết với Mỹ và Ấn Độ, ký kết thỏa thuận thương mại tự do song phương, tham gia các thỏa thuận thương mại đa phương...
Cuộc chơi lớn nơi xa làm mối quan hệ với châu lục gần không còn được ưu tiên nữa.
Theo Thanh Niên