Quả bom sex làm rung chuyển nước Anh đã qua đời

Bà Kristine Keeler, người phụ nữ trong vụ xìcăngđan “sex và tình báo” nổi tiếng thời Chiến tranh lạnh, vừa qua đời tại Anh. Ngày nay ít người còn nhớ đến một sắc đẹp đã khiến cả một quốc gia phải chao đảo.

426 Content 908
Christine Keeler tắm nắng ở Tây Ban Nha, năm 1963 – Ảnh tư liệu

Viết trên Facebook, ông Seymour Platt – con trai bà Kristine Keeler – thông báo mẹ mình đã qua đời hôm 4-12 ở tuổi 75 tại một bệnh viện gần thị trấn Farnborough, miền nam nước Anh, sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính.

“Mẹ tôi, bà Christine Keeler, đã trải qua nhiều trận chiến trong cuộc đời đầy những biến cố. Một số lần bà thua, nhưng những lần khác bà đã thắng. Bà tìm được chỗ đứng cho mình trong lịch sử nước Anh, nhưng với một cái giá phải trả quá lớn. Tất cả chúng tôi tự hào về bà” – ông Platt mô tả.

Trở lại một chút với những năm giữa thế kỷ 20…

Một cô gái thay đổi lịch sử

Kristine Keeler sinh năm 1942 tại thị trấn Uxbridge, hạt Middlesex trong một gia đình gồm mẹ và cha dượng. Ở tuổi 15, Keeler bỏ học và bắt đầu sống bằng nghề người mẫu kiêm vũ công hộp đêm ở Soho – một quận ăn chơi nổi tiếng ở thủ đô London.

Tại đó, cô gái Keeler làm quen với Stephen Ward – một bác sĩ chuyên phục vụ cho giới thượng lưu. Thực chất, Ward còn là một tay dắt gái. Với mối quan hệ của mình, ông này giới thiệu Keeler tham gia những bữa tiệc trác táng của giới quý tộc và tầng lớp tinh hoa chính trị Anh.

Đó là một thế giới được mô tả sặc mùi thuốc lá, rượu và không thiếu những màn làm tình tập thể.

426 Content 909

Christine Keeler trong bộ đồ tắm, năm 1963 – Ảnh tư liệu

Năm 1961, cũng thông qua bác sĩ Ward, Keeler gặp hai người đàn ông thay đổi cuộc đời mình: Bộ trưởng Chiến tranh Anh John Profumo (46 tuổi) và tùy viên quân sự Nga Yevgeny Ivanov. Cô trở thành người tình của cả hai người.

Nếu mọi thứ suôn sẻ thì có lẽ vai trò của Keeler trong lịch sử chỉ là một phụ nữ bình thường.

Mọi thứ bắt đầu với Aloysius “Lucky” Gordon – một gã đàn ông cuồng say nhan sắc của Keeler. Theo lời kể của gia đình và bạn bè, tay này từng bạo hành và chuyên theo dõi Keeler để thực hiện hành vi quấy rối.

Một lần nọ, Gordon liều mạng nổ súng trong căn nhà của bác sĩ Ward, cũng là nơi Keeler đang ẩn náu. Vụ ồn ào đã thu hút sự chú ý. Trong quá trình điều tra vụ án này, cảnh sát Anh thẩm vấn biết được toàn bộ câu chuyện của nàng vũ công.

426 Content 910

Bộ trưởng Chiến tranh Anh John Profumo (trái) và vợ năm 1959 – Ảnh tư liệu

Khi mối quan hệ tay ba của Keeler với ông bộ trưởng Profumo và nhà ngoại giao Nga bị vạch trần năm 1963, vụ việc đã làm rung chuyển chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Harold Macmillan. Thời điểm đó là cao trào của Chiến tranh lạnh và các nước rất sợ rò rỉ tin tức tình báo.

Ban đầu Bộ trưởng Profumo chối biến về mối quan hệ với Keeler, tuy nhiên truyền thông Anh càng lúc phanh phui càng nhiều và ông này buộc phải từ bỏ mọi chức vụ trong chính phủ và Quốc hội Anh.

Cú ngã của Profumo được cho là góp phần khiến chính quyền Macmillan thua Công đảng Anh dẫn đầu bởi Harold Wilson trong cuộc bầu cử năm 1964.

Về số phận của Stephen Ward, vị bác sĩ chuyên “dắt gái” sau đó bị truy tố tội kiếm tiền bất chính từ thân xác phụ nữ, trong đó Keeler là một nạn nhân. Trước khi tòa tuyên án vào tháng 8-1963, Ward uống thuốc ngủ tự tử.

Vào lúc đỉnh điểm của vụ xìcăngđan Profumo, Keeler trả lời phỏng vấn nhiều tờ báo Anh và thậm chí chụp một bức hình khỏa thân ngồi trên chiếc ghế. Đây là một trong số những bức ảnh nổi tiếng nhất thời đó.

426 Content 911
Kristine Keeler khỏa thân ngồi trên ghế – tấm ảnh nổi tiếng nước Anh thập niên 1960 – Ảnh: Lewis Morley/Sloane

Tôi ước gì mọi thứ không xảy ra

Keeler bị bỏ tù 9 tháng vì tội “khai man” và “thông đồng cản trở công lý”. Cô gái dành cả phần đời còn lại để chạy trốn sự nổi tiếng không mấy dễ chịu.

Keeler, trong nhiều năm sống dưới cái tên Sloane, sau đó trải qua hai cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Cả hai đều kết thúc bằng ly hôn. Bà có hai người con trai – James từ cuộc hôn nhân đầu, và Seymour với người chồng sau – và một cháu gái.

“Có rất nhiều thứ tốt đẹp bao bọc cuộc đời bất hạnh của Chris (Christine Keeler), vì bà ấy có một gia đình yêu thương hết lòng. Tôi cho rằng những gì xảy ra với bà ngày xưa thật sự gây tổn thương” – ông Seymour, người đang sống ở Ireland với vợ và con gái, tâm sự với báo Guardian.

Cuộc đời tôi bị nguyền rủa bởi thứ sex tôi không thật sự muốn”

Keeler bày tỏ trong cuốn hồi ký viết cùng nhà báo Douglas Thompson

426 Content 912
Christine Keeler – người phụ nữ khiến một chính phủ của Anh phải “đội áo ra đi” – Ảnh tư liệu

Hơn hai thập kỷ sau sự kiện Profumo, bà Keeler bày tỏ sự hối tiếc của mình trong một lần phỏng vấn năm 1986 như sau: “Tôi chỉ là một cô gái 19 tuổi sống vui vẻ. Tôi yêu từng giây phút ấy. Nhưng nếu tôi biết trước chuyện gì xảy ra, tôi sẽ bỏ chạy và không bao giờ dừng lại cho đến khi tôi gặp được mẹ”.

Năm 2018, Đài BBC của Anh dự kiến sẽ bấm máy quay bộ phim về cuộc đời của Christine Keeler và vụ xìcăngđan nổi tiếng năm 1963.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài liên quan