Cuộc chiến sở hữu vaccine đã nổ ra giữa Liên minh châu Âu (EU) và nước Anh, sau khi hãng dược Anh AstraZeneca không thể cung cấp đủ số vaccine cho EU.
Khoảng 9h20 tối 29/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhận một cuộc điện thoại khi ở nhà riêng. Bên kia đầu dây là Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Không mấy vui vẻ, ông Johnson yêu cầu bà Leyen giải trình vì sao EU lại kích hoạt một điều khoản trong quy trình rời châu Âu của nước Anh (Brexit), qua đó chặn việc nhập khẩu vaccine Covid-19 của Anh thông qua Cộng hòa Ireland.
Cuộc "khủng hoảng vaccine" càng làm cho quan hệ giữa Anh và EU xấu đi. Ảnh: Financial Times.
Điều này xảy ra sau khi hãng dược AstraZeneca của Anh, một trong những đối tác cung cấp vaccine Covid-19 cho cả EU và Anh, tuyên bố sẽ cắt giảm đến hơn 60% số lượng vaccine giao cho EU theo hợp đồng. EU đã rất tức giận và nhanh chóng hành động khi tin rằng công ty này đang tập trung giao vaccine cho Anh mà "ngó lơ" EU.
Những hợp đồng chậm trễ
Vào đầu tuần trước, hàng dược phẩm Anh AstraZeneca đã tạo ra một cuộc khủng hoảng khi tuyên bố họ sẽ giảm 60% nguồn cung vaccine cho EU. Dự kiến, hãng dược này chỉ có thể cung cấp 31 triệu liều vaccine cho EU vào cuối tháng 3 - tức chỉ 1/10 số vaccine được ghi trong hợp đồng trị giá hơn 408 triệu USD giữa hai bên.
Ở phía ngược lại, việc giao vaccine đến nước Anh lại đúng với kỳ vọng ban đầu, và giúp tốc độ tiêm chủng của nước này cao hơn nhiều lục địa già.
Dữ liệu gần đây cho thấy EU chỉ có thể cấp 2,6 liều vaccine ngừa Covid-19 cho 100 người. Con số tương tự của Mỹ và Anh đều cao hơn nhiều, với Mỹ là 8,8 liều/100 người và Anh là 12,5 liều/100 người. Tin tức về việc chậm trễ này dấy lên sự phẫn nộ khắp EU.
"Ngoại giao vaccine giờ đã chuyển thành việc cướp vaccine", Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cay đắng bình luận. Hiện quốc gia này ghi nhận hơn 230.000 ca nhiễm Covid-19, với gần 5.000 ca tử vong.
EU đã kiểm tra nhà máy của AstraZeneca tại Brussels (Bỉ) để xác minh lời giải thích của hãng dược Anh. Trước đó, công ty này biện minh cho sự chậm trễ là do nhà máy của họ tại Bỉ xảy ra sự cố. EU cũng không loại trừ khả năng nhà sản xuất muốn trì hoãn để bán cho các bên đưa giá cao hơn.
Ủy ban châu Âu cũng cho biết hàng triệu liều vaccine đã được xuất khẩu khỏi EU trong tháng vừa qua để đến Anh, Trung Quốc, Israel và Canada. Các quan chức EU cho rằng AstraZeneca phải chịu trách nhiệm trong việc giữ số vaccine đó lại cho châu Âu, song họ không tìm ra chứng cứ khi số liệu xuất khẩu không được các nhà sản xuất cung cấp.
Căng thẳng leo thang
Để lấy được các thông tin trên, Ủy ban châu Âu (EC) đã đệ trình kế hoạch yêu cầu các công ty dược phải đánh dấu rõ quốc gia mà đơn hàng được xuất tới. Các công ty này cũng bị buộc phải cung cấp số liệu xuất khẩu từ tháng 12/2020.
Điều này đã làm phật lòng hãng dược AstraZeneca. Trong một bài phỏng vấn được đăng tải hôm 26/1, CEO của công ty này, ông Pascal Soriot, đã bác bỏ các cáo buộc của Ủy ban châu Âu, cho rằng sự chậm trễ một phần là do EU đã ký hợp đồng sau nước Anh.
"Tôi là người châu Âu, châu Âu luôn ở trong tim tôi. Vì thế, chúng tôi muốn đối xử với châu Âu tốt nhất có thể. Chúng tôi làm điều này mà không có lợi nhuận", ông Soriot nhấn mạnh.
Cuộc phỏng vấn của ông Soriot nhanh chóng làm các nước châu Âu nổi giận. Đức, sau đó là Pháp, nhanh chóng yêu cầu EU họp mặt để có cách tiếp cận chặt chẽ hơn đối với vấn đề này.
Đến sáng 27/1, căng thẳng giữa hai bên tồi tệ đến mức hai bên không thể đồng thuận rằng một cuộc điện đàm được lên lịch trước đó có thể diễn ra hay không.
Tại một cuộc họp báo gần đây, Cao ủy Y tế và An toàn thực phẩm châu Âu Stella Kyriakides đã bác bỏ lập luận từ phía hãng dược. Bà tuyên bố nguyên tắc đến trước được trước "có thể đúng với những người bán thịt ở trong khu phố, chứ không phải trong một hợp đồng".
Đến lúc này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen quyết định họ sẽ phải có cách tiếp cận cứng rắn hơn, trong đó bắt buộc các công ty có hợp đồng cung cấp vaccine cho châu Âu không chỉ phải thông báo mà còn phải xin giấy phép trước khi xuất khẩu vaccine ra khỏi khối.
Thậm chí, châu Âu còn có thể sẽ giành quyền kiểm soát vaccine sản xuất tại đây nếu như các biện pháp trên là chưa đủ đảm bảo rằng vaccine sẽ đến được với tay người dân châu Âu.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Sau khi quyết định trên được đưa ra, bà Leyen và cấp dưới đã phải vội vàng soạn thảo một kế hoạch mới với thời hạn gấp rút, qua đó dẫn đến hàng loạt các sai lầm.
Vào hôm 28/1, các phóng viên được mời đến dự một cuộc họp trong khi đề xuất còn chưa được hoàn thiện, điều vốn rất ít khi xảy ra ở Ủy ban châu Âu. Đến sáng 29/1, EU công khai hợp đồng của họ với AstraZeneca. Các đoạn thông tin mật được biên tập lại đầy vụng về, khiến cho thậm chí những người nghiệp dư cũng có thể truy lại các thông tin này.
Sau khi kế hoạch trên được hoàn thiện và công bố, nó khiến cho các nhà lập pháp của cả Anh và Cộng hòa Ireland phẫn nộ khi ban hành việc cấm xuất khẩu vaccine tạm thời giữa hai quốc gia trên. Thủ tướng Ireland và Anh đều đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ của mình, cho rằng họ đã không được hỏi ý kiến và quy định trên sẽ gây tổn hại đến quan hệ giữa các bên có liên quan.
EU sau đó đã phải nhanh chóng gỡ các quy định mới khỏi trang web của mình và đưa ra tuyên bố lùi thời hạn của quyết định trên ngay trước nửa đêm. Một kế hoạch mới, trong đó không có quy định cấm xuất khẩu giữa Ireland và Anh, cũng được công bố vào sáng 30/1.
Tuy nhiên, điều này là quá đủ cho những người ủng hộ việc Anh rời khỏi EU (Brexit). Trong một bài đăng trên Twitter, nghị sĩ Bảo thủ Tom Tugendhat nói rằng điều này đã cho thấy thái độ thật và sự thiếu thiện chí của EU.
Bên cạnh đó, mặc dù EU cho biết sẽ không tái kích hoạt các điều khoản gây tranh cãi, song cho biết sẽ sử dụng "tất cả các biện pháp" nếu các công ty tìm cách lách việc kiểm soát xuất khẩu. Thậm chí, EU cũng bỏ ngỏ khả năng buộc các nhà sản xuất vaccine chia sẻ công thức, cơ sở sản xuất, thậm chí là tịch thu bằng sáng chế.
Tất cả điều này tạo ra một bức tranh rối bời trong mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu, vốn đã chả mấy "cơm lành, canh ngọt" từ sau Brexit và càng xấu đi trong bối cảnh các chủng Covid-19 mới, nguy hiểm hơn xuất phát từ Anh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng lên tiếng cho rằng các quy tắc xuất khẩu mới là "không hữu ích", thậm chí có thể châm ngòi mâu thuẫn với Anh sau khi nước này chính thức hoàn tất việc rút khỏi EU. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo sự gián đoạn chuỗi cung ứng vaccine có thể lan rộng khắp thế giới và làm đình trệ cuộc chiến chống lại Covid-19.